Một trong những khâu mà khiến nhiều người khi chế biến mực ống hay bạch tuộc đau đầu chính là làm thế nào để vừa sạch, vừa không bị tanh. Các mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn xử lý loại hải sản này một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Làm sạch mực ống đúng cách
Để chế biến mực giữ được độ giòn, chắc thịt bạn cần lưu ý chọn được mực tươi.
Mẹo chọn mua mực tươi
- Quan sát màu sắc của mực: Mực tươi sẽ có màu sắc sáng bóng. Phần màu nâu sẽ nâu sậm, còn phần thân mực sẽ trắng đục như sữa.
- Khi sờ tay vào thân mực, bạn sẽ cảm giác được phần thịt mực săn chắc và có độ đàn hồi cao. Khi ấn tay vào phần thân mực, mực sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái ban đầu và không để lại vết lõm.
- Màu của mắt mực trong veo, không bị lồi ra ngoài, có thể nhìn thấy rõ con ngươi và không bị vàng hay chảy dịch. Mực không tươi thì phần mắt đã chuyển sang màu đục hơn, đôi khi có dịch chảy ra.
- Mực tươi thì phần đầu và các xúc tu, râu mực sẽ dính chặt vào nhau, chắc chắn. Mực không tươi thì các phần trên thường mềm nhũn và dễ tách rời
Mực tươi thường có độ dai, giòn và ngọt nên cần sơ chế đúng cách để mực không bị nhũn cũng như giữ được các chất dinh dưỡng vốn có. Để làm sạch loại hải sản này bạn cần áp dụng các bước làm sạch sau đây:
Bước 1: Rút đầu và râu mực
Để sơ chế sạch mực ống, bạn xả mực dưới vòi nước sạch trước. Sau đó, bạn túm chặt phần râu mực rồi kéo ra khỏi thân của con mực. Khi bạn kéo dứt khoát thì phần ruột, túi mực cũng sẽ bị kéo luôn ra ngoài. Phải cẩn thận ở bước này vì nếu sơ sảy làm cho túi mực bị vỡ thì mực sẽ bị đen và ăn bị đắng.
Trong trường hợp túi mực bị vỡ, bạn cẩn thận xối nước nhanh cho mực trôi đi và thực hiện tiếp những bước bên dưới.
Bước 2: Cắt bỏ mắt mực
Dùng dao cắt bỏ phần mắt mực và khối tròn cứng ở giữa đầu mực (gọi là răng mực), các bạn lấy tay nặn bỏ phần này.
Bước 3: Lột da mực
Bằng cách dùng dao sắc hãy cắt nhẹ một đường phía đầu thân mực để tạo một đường gờ giữa da và thịt mực. Một tay giữ chặt phần thịt mực, tay còn lại nắm chắc phần da mực và kéo lên.
Bước 4: Làm sạch bên trong ống mực
Sau khi lôi được ruột, túi mực, râu ra khỏi thân, bạn tiếp tục bóc hết phần xương sống mực ra. Xương sống mực là những mẩu xương to bản, màu trắng trong, có thể nhìn thấy được rất dễ dàng.
Tiếp tục dùng dao rạch một đường dọc trên mặt thân mực ra rồi trải mực ra. Cạo hết phần nội tạng còn sót lại ra và rửa sạch với nước.
Làm sạch bạch tuộc đúng cách
Khi mua bạch tuộc là phải chọn được bạch tuộc tươi. Khi đó, việc sơ chế sẽ thuận lợi hơn và tất nhiên món ăn cũng hấp dẫn, đảm bảo vệ sinh hơn.
Mẹo chọn mua bạch tuộc tươi
- Chọn bạch tuộc có tròng mắt sáng, trong không bị đục ngầu. Phần bụng bạch tuộc màu trắng sáng, không mua khi phần bụng màu trắng ngà vì có thể bạch tuộc bị ngâm nước.
- Khi mua bạch tuộc trong bể chứa, chọn mua những con di chuyển nhanh, linh hoạt.
- Sờ vào phần thân chắc chắn, thịt không bị nhũn và lõng bõng nước.
- Xem phần da lưng bạch tuộc mịn và trơn.
- Nếu chọn bạch tuộc đông lạnh cần chú ý loại có màu da lưng màu nâu xám, ánh màu xanh. Phần bụng dưới trắng sáng (bạch tuộc đông lạnh lâu sẽ có màu trắng đục, ít ngon). Bạch tuộc dáng da trơn mịn, thân không bị trương phình. Mắt bạch tuộc trong, tránh con có mắt trắng đục.
Khi mua bạch tuộc về, hãy sơ chế theo các bước dưới đây sẽ giúp món ăn của bạn không bị tanh và chuẩn vị nhất:
Bước 1: Rửa sạch bạch tuộc
Sau khi mua về, bạn đem bạch tuộc rửa sạch. Nếu mua bạch tuộc đông lạnh, bạn tốt nhất nên rã đông chúng trước rồi mới tiến hành rửa bạch tuộc bằng nước sạch. Sau khi rửa xong nên cắt hết xúc tua và để gọn sang một góc cho tiện.
Bước 2: Cắt bỏ nội tạng bạch tuộc
Khi cầm một con bạch tuộc trên tay, cần xác định được phần đầu với các xúc tu của chúng.
Dùng dao nhỏ hoặc kéo, khía phía sau màng, ngay bên trong vị trí phía dưới đầu bạch tuộc. Lộn ngược đầu ra ngoài, thông qua vết cắt khi này mà lôi nội tạng ra ngoài rồi lộn ngược vào. (nếu nhỏ quá thì bạn chỉ cần khứa nhẹ).
Bước 3: Bóp bạch tuộc với muối và nước cốt chanh
Bóp bạch tuộc thật kỹ với muối và nước cốt chanh để loại bỏ chất nhờn. Ngoài cách trên, bạn có thể sử dụng lá ổi rửa bạch tuộc hoặc dùng giấm, rượu trắng cùng 1 nhánh gừng đập dập để loại bỏ mùi tanh.
Bước 4: Rửa sạch và cắt bạch tuộc
Sau khi bóp muối, rửa sạch bạch tuộc với 2 – 3 lần nước rồi, để ráo. Phần đầu bạch tuộc cắt riêng, rồi cắt nhỏ thành hình nhẫn hoặc để nguyên để nhồi gia vị (tùy theo kiểu món ăn mà bạn lựa cắt sao cho phù hợp). Chân bạch tuộc cắt thành từng đoạn kích thước vừa ăn.
Bình luận