Ngày Tết Nguyên đán là dịp đoàn tụ gia đình, vì thế không thể thiếu những bữa rượu, bia tiệc tùng. Vậy làm sao để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra khi lỡ quá chén, say xỉn. Bải viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn các cách đơn giản có thể giải rượu bia, giảm say xỉn đơn giản.
Ảnh hưởng xấu của rượu bia với sức khỏe
Sau khi uống, rượu được hấp thụ vào cơ thể và chuyển hóa thành chất gọi là acetaldehyde, nguyên nhân gây nên các triệu chứng khó chịu (đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, mất kiểm soát hành vi,…) và có thể gây ngộ độc cho cơ thể.
Uống nhiều rượu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tim mạch, gan, thận và hệ thần kinh, đặc biệt là với gan (khiến gan bị xơ, thậm chí là ung thư gan).
Cách giải rượu bia hiệu quả nhất
Theo các chuyên gia y tế, chén rượu ngày xuân rất dễ làm say rượu, mọi người nên chuẩn bị cách thức giải rượu.
Nước lọc
Theo chuyên gia, nước lọc là cách đơn giản nhất. Nước lọc sẽ bù đắp lượng nước mà cơ thể còn thiếu, đồng thời pha loãng lượng cồn trong máu, giúp bạn đỡ say hơn. Lưu ý, chỉ uống nước lọc, không dùng nước tăng lực hoặc nước ngọt có ga. Những loại thức uống này sẽ làm tăng hàm lượng carbon dioxide trong dạ dày và ruột non, làm tăng nguy cơ ngộ độc cho cơ thể.
Nước gừng
Gừng là loại gia vị có tính ấm, vị cay, thường được dùng giữ ấm cho cơ thể trong mùa đông. Không những thế, đây còn là vị thuốc quý giúp giải rượu hiệu quả. Chỉ cần thái một củ gừng tươi khoảng 60 gram thành từng lát mỏng, sau đó đem sắc nước uống. Vị gừng nóng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Có thể cho thêm vào nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để có thể hấp thụ nhanh và giúp giải say rượu.
Nước cam mật ong
Mật ong chứa nguồn cung cấp dồi dào kali và chất chống oxy hóa, chúng có tác dụng đẩy lùi tình trạng nôn nao, khó chịu khi say rượu, bia. Đặc biệt, khi kết hợp mật ong và nước cam sẽ tạo ra đường là fructose, một chất có khả năng đẩy nhanh quá trình tiêu hóa rượu.
Uống một ly nước cam pha mật ong khi say rượu bia rồi nằm ngủ, sẽ làm xua tan cảm giác nôn nao, mệt mỏi vào sáng hôm sau.
Nước chanh
Chanh chứa hàm lượng vitamin C cao giúp giảm cơn say và làm cơ thể tỉnh táo trở lại. Ngoài ra, khi say rượu thường kéo theo khát nước nên uống nước chanh giúp giải cơn khát hiệu quả. Chanh cắt lát, cho vào nước, có thể thêm muối vào nước chanh để bù điện giải.
Uống nước sắn dây
Bột sắn dây có vị ngọt, mát, tính bình, đi vào kinh tỳ, vị, phế. Uống nước bột sắn dây giúp giải rượu bia hiệu quả và làm giảm các triệu chứng khó chịu sau khi uống rượu, bia một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, nước sắn dây còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe như thanh nhiệt, sinh tân dịch, trừ phiền nhiệt, thông đại tiểu tiện, làm ra mồ hôi, giải độc.
Bột sắn dây được pha với nước lọc và có thể vắt thêm chanh giúp làm tăng hương vị của đồ uống.
Đậu xanh
Theo y học cổ truyền, đậu xanh có vị ngọt, hơi tanh, tính hàn. Vỏ hạt đậu xanh có tính mát không độc. Đậu xanh được biết đến với tác dụng thanh nhiệt, giải độc nên có thể giúp giải độc rượu rất hiệu quả.
Ăn một bát cháo đậu xanh nóng là cách để giải rượu bia một cách hiệu quả. Nó giúp cơ thể toát mồ hôi, kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp người say chống lại tình trạng khó chịu, mệt mỏi sau say rượu.
Bánh mì, ngũ cốc
Bánh mì chứa một lượng lớn carbon có tác dụng như một bộ lọc trong cơ thể giúp hấp thụ hết chất cồn, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng say rượu. Trong cơm, ngũ cốc nguyên hạt cũng đều chứa carbon, có khả năng hấp thụ cồn trong rượu. Bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt chứa rất nhiều vitamin B1 - giúp hạn chế triệu chứng nôn nao.
Trà xanh
Nước trà xanh (chè xanh) chứa hàm lượng cao các axit tannic có khả năng khử chất cồn trong rượu. Vì thế, người đang bị say rượu nên uống ngay một cốc chè xanh thật đặc cũng có thể giúp giải rượu rất tốt. Chất tanin trong trà có thể khử độc cồn cấp tính, chữa trị các hiện tượng hôn mê, ức chế hô hấp do ngộ độc cồn.
Chuyên gia khuyến cáo không nên để bụng đói trước khi uống rượu. Điều này khiến cơ thể hấp thụ rượu nhanh và làm những cơn say trở nên tệ hơn. Nên tránh các thực phẩm cay nóng. Ở điều kiện thường, capsaisin - hoạt chất có trong ớt khiến ớt có vị cay - gây kích thích dạ dày và thành ruột. Đặc biệt khi kết hợp với rượu thì tác dụng lớn hơn rất nhiều. Chất cồn làm giãn các cơ vòng thực quản và tạo điều kiện cho acid trào ngược lại lên thực quản gây ợ nóng, trào ngược... Ngoài ra nên hạn chế các chất kích thích khác như cà phê.
Theo các chuyên gia y tế, không có mức uống rượu bia nào là an toàn. Nguy cơ rượu bia ảnh hưởng sức khỏe phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống. Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương.
Bình luận