Theo các chuyên gia sức khỏe và dưỡng sinh trên kênh Family Doctor, mùa đông thời tiết lạnh sâu, lục phủ ngũ tạng dễ bị suy sụp, đổ bệnh. Đây là lúc bạn cần phải tìm giải pháp đối phó nhanh chóng để bảo vệ cơ thể.
1. Tim
Để có thể chống lại cái lạnh, các hộ gia đình có thể lắp đặt các thiết bị sưởi ấm như lò sưởi hay điều hòa nhiệt độ trong phòng, chuẩn bị chăn nệm đủ ấm, mặc quần áo đủ ấm cả ở trong nhà và khi đi ra ngoài trời.
Sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời quá lớn khiến huyết áp tăng cao, dao động. Khi ra ngoài vào mùa đông, bạn phải bảo vệ tay, chân và đầu, chú ý đội mũ, đeo khăn quàng cổ và đeo găng tay phù hợp với nhiệt độ. Người cao tuổi hoặc người sức khỏe kém có thể ngâm chân nước nóng cũng là giải pháp tốt để bảo vệ cơ thể, đặc biệt là tim.
2. Tuyến tiền liệt
Do thời tiết lạnh tác động lên cơ thể làm tăng tính hưng phấn của thần kinh giao cảm, thúc đẩy sự co bóp của tuyến tiền liệt, làm cho tuyến tiền liệt ở trạng thái sung huyết mãn tính, tăng áp lực trong niệu đạo. Vì vậy, vào mùa đông, bạn nên giữ ấm toàn bộ cơ thể, đặc biệt là vùng bụng.
Không nên ngồi trên ghế đá khi ra ngoài hay ở những môi trường quá lạnh trong thời gian dài. Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước, đi tiểu nhiều, ăn những thức ăn tốt cho tuyến tiền liệt như cà chua, các loại hạt.
3. Dạ dày
Mùa đông là thời kỳ bùng phát các bệnh về đường tiêu hóa, chủ yếu liên quan đến thời tiết lạnh và chế độ ăn uống thường ngày của bạn. Chẳng hạn như nhiều người vẫn duy trì sở thích ăn đồ sống, lạnh, cứng có thể làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, vì vậy không nên ăn uống tùy tiện vào mùa đông.
Thay vào đó, bạn nên duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, tăng cường những thức ăn có tính ấm như thịt bò, thịt dê, nhiều rau củ quả hơn để tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ cảm lạnh.
4. Phổi
Mùa đông, ở những nơi nhiều khói bụi, không khí khô lạnh, nếu không có biện pháp bảo vệ thích hợp rất dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp, dẫn đến phổi bị đe dọa. Vì vậy, vào mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp, bạn không nên tập luyện ngoài trời quá sớm, phải đợi đến khi mặt trời mọc rồi mới nên đi ra ngoài.
5. Tai
Tay, chân, mũi và tai vốn dĩ là nơi có các đầu dây thần kinh, lượng máu lưu thông tương đối ít, tỉ lệ mỡ ở đây lại ít nên không thể giữ ấm một cách tự nhiên. Mùa đông giá rét khắc nghiệt rất dễ bị tê cóng. Khi đi ra ngoài, bạn nên đeo bịt tai, thỉnh thoảng xoa tai và tay.
Giữ cho các bộ phận này được ấm áp sẽ duy trì được sức khỏe của bạn một cách tốt hơn.
6. Mũi
Vào mùa đông, dịch nhầy ở mũi tiết ra ít hơn làm giảm sức đề kháng của mũi đối với những tác nhân bên ngoài, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào hệ hô hấp, đặc biệt là phổi, tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp.
Kiên trì rửa khoang mũi bằng nước muối pha loãng vào mỗi buổi tối để giảm hít thêm vi khuẩn xấu vào khoang mũi. Bạn cũng có thể xông mũi bằng cách cho nước nóng vào cốc, đưa sát mũi hít hơi nước, mỗi lần khoảng 5-10 phút, sáng 1 lần, tối 1 lần để làm ẩm niêm mạc mũi, giảm các bệnh về đường hô hấp một cách hiệu quả.
Trời lạnh tác động lên cơ thể còn có thể gây co thắt mạch, huyết áp dao động lớn, tăng nguy cơ nhồi máu não, xuất huyết não. Do đó, người trung và cao tuổi hãy theo dõi huyết áp thường xuyên và làm theo lời khuyên của bác sĩ để điều chỉnh khi huyết áp dao động lớn.
Bạn cũng nên chú ý ăn các loại thực phẩm có thể làm sạch và làm mềm mạch máu, chẳng hạn như hành, tỏi, mộc nhĩ. Đồng thời, bạn cần điều chỉnh tâm trạng và duy trì thái độ sống tích cực, lạc quan, sinh hoạt điều độ, lao động và nghỉ ngơi hợp lý.
Bình luận