Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho hay, những cơn hen có thể khởi phát không thường xuyên và chỉ xảy ra vào một số thời điểm hay khi người bệnh tiếp xúc với các dị nguyên. Sau khi cắt được cơn hen, bệnh nhân sẽ trở lại bình thường.
Cơn hen là triệu chứng đặc trưng của bệnh. Đó chính là tình trạng khó thở, kèm theo những tiếng cò cử, có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào nhưng thường gặp về ban đêm hoặc khi thay đổi thời tiết.
Trước khi xảy ra cơn hen, cơ thể cũng có một số dấu hiệu cảnh báo như tình trạng hắt hơi, sổ mũi, ho khan, tức ngực. Có những trường hợp phải ngồi chống tay, há miệng thở, cơn hen có thể liên tục hay kịch phát. Khi gần hết cơn, tình trạng khó thở giảm dần, người bệnh sẽ ho nhiều hơn, khạc đờm trong và quánh.
Ngoài những cơn hen đặc trưng, người bệnh còn có thể gặp phải những triệu chứng không điển hình như xuất hiện những cơn ho dai dẳng, đặc biệt là về đêm; khó thở, có cảm giác tức ngực; thở khò khè ở trẻ nhỏ.
Bác sĩ cũng chỉ rõ một số dấu hiệu cho thấy bệnh của bạn đang tiến triển nghiêm trọng hơn, như triệu chứng bệnh diễn ra thường xuyên, tăng dần về mức độ, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi hít thở; mức độ khó thở tăng lên; người bệnh có nhu cầu cắt cơn thường xuyên hơn.
Những cơn hen suyễn thường dễ dàng bùng phát trong một số tình huống như tập thể dục với cường độ nặng; thời tiết thay đổi thất thường, không khí khô và lạnh.
Người bệnh phải làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất độc hại; tiếp xúc với một số hoạt chất trong không khí như phấn hoa, bào tử nấm mốc, chất thải của gián, lông thú cưng...
Bệnh hen suyễn có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, dù là trẻ em hay người lớn. Tuy nhiên, người có cơ địa dị ứng; người bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và bị tái phát nhiều lần; trẻ có bố mẹ bị suyễn; người mắc bệnh thừa cân, béo phì, thường xuyên tiếp xúc với môi trường khói bụi, hút thuốc lá lâu năm, có tiền sử bệnh dị ứng hay các bệnh về đường hô hấp... sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
Bình luận