Israel là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm mũi tiêm vaccine COVID-19 thứ 4. Từ cuối tháng 12/2021, Bộ Y tế nước này phê duyệt tiêm liều thứ 4. Ban đầu liều này chỉ dành cho những người ở các cơ sở lão khoa được chăm sóc lâu dài và sau đó được mở rộng cho những người từ 60 tuổi trở lên.
Đầu tháng 6, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, nhóm xử lý dịch bệnh Israel mở cuộc họp để cùng thảo luận về việc cung cấp liều vaccine COVID-19 thứ 5 cho các nhóm dân số có nguy cơ.
Ngoài ra, Bộ Y tế nước này cũng cho biết, liều vaccine thứ 3 dành cho người Israel từ 5 đến 12 tuổi cũng đang được xem xét cho những ai muốn. Tuy nhiên, tất cả nhân viên y tế nước này sẽ có nghĩa vụ tiêm liều vaccine thứ 4 hoặc thứ 5.
Hôm 16/6, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias tuyên bố nước này sẽ tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 4 cho toàn dân.
“Sẽ có liều vaccine thứ 4 cho toàn dân", ông Darias nói.
Bà cho biết thêm, thời điểm bắt đầu chiến dịch tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 vẫn chưa được quyết định, song khả năng sẽ diễn ra trong những tháng cuối năm 2022, khi có các loại vaccine mới, được điều chỉnh để chống lại những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Tương tự nhiều quốc gia khác, Tây Ban Nha tiêm mũi vaccine thứ 4 cho nhóm người cao tuổi và những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm.
Đan Mạch sớm tiêm mũi thứ 4 vaccine COVID-19 cho những người nguy cơ lây nhiễm cao kể từ giữa tháng 1/2022. Đây cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên thực hiện tiêm liều thứ 4 cho người dân.
Tuần trước, Đan Mạch công bố kế hoạch tiêm liều vaccine thứ 4 cho những người trên 50 tuổi trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong thời gian tới.
Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 ở mức thấp, Đan Mạch chứng kiến sự gia tăng ca bệnh sau khi BA.5 - biến chủng phụ của Omicron lây lan chóng mặt và trở thành biến chủng thống trị ở quốc gia này.
"Không có gì ngạc nhiên với chúng tôi khi các biến thể mới xuất hiện và số ca nhiễm có thể tăng lên, nhưng nó xảy ra sớm hơn dự kiến", Thủ tướng Mette Frederiksen cho biết hôm 21/6.
Bà Frederiksen nói thêm rằng các nhóm dễ bị tổn thương có thể được tiêm nhắc lại trong các tuần tới.
Hàn Quốc công bố kế hoạch tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 4 cho nhóm có nguy cơ cao (những người từ 60 tuổi trở lên) từ giữa tháng 4.
Quan chức thuộc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) Jeong Eun-kyeong cho biết hơn 90% người Hàn Quốc ở độ tuổi 60 trở lên đã được tiêm mũi 3 (mũi tăng cường) nhưng vẫn được khuyến nghị tiêm mũi 4 vì tác dụng của vaccine bắt đầu giảm đi đáng kể khoảng 2 tháng sau mũi 3.
Theo thống kê, khoảng 10,66 triệu người Hàn Quốc trong độ tuổi trên thuộc nhóm nên tiêm mũi 4. Mũi tiêm thứ 4 chỉ được chỉ định tiêm cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi đang điều trị tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch kém.
Tính đến ngày 8/6, 44,6 triệu người hay 86,9% dân số Hàn Quốc hoàn thành liều vaccine cơ bản và 33,32 triệu người, chiếm 64,9% dân số đã tiêm mũi vaccine tăng cường đầu tiên. Hơn 4,19 triệu người, chiếm 8,2% dân số, đã được tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai.
Chile hiện là quốc gia có tỷ lệ tiêm mũi tăng cường cho dân cao nhất thế giới - 91%, theo số liệu của Nikkei.
Để đối phó vói làn sóng dịch thứ 5 đang hoành hành, chính phủ Chile kêu gọi người dân nước này tăng cường các biện pháp tự bảo vệ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, trong đó có việc tiêm liều vaccine tăng cường.
Theo số liệu của Bộ Y tế Chile, tính tới giữa tháng 6, quốc gia với hơn 19 triệu dân vẫn còn hơn 867.000 người trên 18 tuổi chưa tiêm liều vaccine tăng cường và hơn 1,5 triệu người trưởng thành vẫn chưa được tiêm liều thứ tư.
Campuchia là quốc gia châu Á đầu tiên và thứ 2 trên thế giới tuyên bố hết dịch COVID-19. Giới chức nước này khẳng định điều này đạt được một phần nhờ kế hoạch tiêm chủng nhanh chóng và hiệu quả.
Theo số liệu được Bộ Y tế Campuchia hôm 7/6, nước này tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 cho hơn 15 triệu người, tương đương 94% trong số 16 triệu dân.
Khoảng 9,25 triệu người (58% dân số) đã tiêm liều thứ ba và 2,58 triệu người (16% dân số) tiêm liều thứ 4. Campuchia dự kiến tiêm liều vaccine thứ 5 cho các nhóm ưu tiên kể từ ngày 9/6. Hầu hết người dân được sử dụng vaccine Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc.
Bình luận