Tại toạ đàm Khoa học vì cuộc sống tổ chức ngày 19/1 trong tuần lễ Khoa học VinFuture, Giáo sư Gérard Albert Mourou, chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018 cho rằng, các quốc gia đang tìm mọi phương án để tìm nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và đây là hướng đi đúng.
GS Mourou cho biết, trong việc phát triển năng lượng hạt nhân, kim loại phóng xạ thorium dồi dào hơn nhiều so với uranium và đây sẽ là công nghệ hữu ích có thể thay thế nguồn dự trữ uranium đang bắt đầu suy giảm. Ông đánh giá, nguồn năng lượng từ thorium có thể đáp ứng nhu cầu của khoảng 10 tỷ người trong tương lai.
Cũng tại toạ đàm, GS Richard Henry Friend, Đại học Cambridge(Anh) cho biết, sự phát triển của khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm nguồn năng lượng mới có giá rẻ hơn. Khoảng 10 năm trước, loại năng lượng có giá rẻ nhất là điện than, điện hạt nhân và năng lượng gió nhưng hiện tại, điện mặt trời đã giảm chi phí nhanh chóng.
Quá trình dịch chuyển năng lượng sạch cho thấy xu hướng dễ nhận thấy của năng lượng toàn cầu khi đáp ứng nhu cầu con người một cách an toàn, hợp lý. Ở quê hương ông, điện gió đáp ứng 40% nhu cầu năng lượng.
Dẫn thông tin về những quốc gia đang chuyển hướng sang năng lượng sạch, GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California Santa Barbara, nhắc tới Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Anh, Áo, Phần Lan hay New Zealand. Bà cho rằng có nhiều phương án ở các quốc gia, tùy thuộc vào vị trí địa lý, dân số và nguồn lực con người để chọn phát triển năng lượng gió, điện gió, điện mặt trời hay lưới điện thông minh.
"Chìa khóa để các quốc gia phát triển mạnh năng lượng sạch là dựa vào cơ cấu nguồn đa dạng, chi phí sản xuất, quá trình rõ ràng, đầu tư thuận lợi, hợp tác công tư và lối sống, hành vi của chính người dân", GS Quyên nói. Bà cũng chia sẻ những nghiên cứu về pin mặt trời hữu cơ, ứng dụng trong việc sơn, phun vào kính, giúp làm giảm mức tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà.
PGS.TS Phạm Hoàng Lương, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, Việt Nam đang thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng, phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch và công nghệ phù hợp với bối cảnh. Hiện nay nhiều tòa nhà sử dụng điện mặt trời trên mái, điều chỉnh linh hoạt nhu cầu phụ tải. Lĩnh vực điện mặt trời và điện gió cũng là tham vọng lớn ở Việt Nam hiện nay.
GS Friend khá ngạc nhiên về việc sử dụng điện trên mái nhà tại Việt Nam bởi nó khác với đất nước ông. Tuy nhiên, giáo sư lạc quan rằng việc phát triển năng lượng tái tạo phát tại chỗ sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người.
Ông đánh giá, dù còn nhiều bất đồng trong chính giới khoa học về việc tạo năng lượng, điện hóa toàn cầu hay sự khác biệt về sử dụng loại năng lượng pin, năng lượng hạt nhân..., việc hướng tới giảm phát thải carbon vẫn là mục tiêu chung để các quốc gia cùng hướng tới.
Tuần lễ trao giải VinFuture có 4 hoạt động chính:
- Ngày 18/1: Chương trình giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo.
- Ngày 19/1: Tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" gồm 3 phiên thảo luận với các chủ đề: Tương lai của năng lượng, tương lai của trí tuệ nhân tạo và tương lai của sức khỏe toàn cầu. Sự kiện có sự tham gia của nhiều giáo sư hàng đầu từng đoạt giải Nobel, Millennium Technology.
- Ngày 20/1: Lễ trao giải thưởng VinFuture tại Nhà hát Lớn Hà Nội lúc 20h (truyền hình trực tiếp trên VTV1, Fanpage VinFuture Prize).
- Ngày 21/1: Giao lưu cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture.
Tuần lễ khoa học VinFuture còn nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn như các workshop, triển lãm, bài giảng đại chúng… thu hút sự tham gia của các nhà khoa học và đông đảo công chúng.
Bình luận