Theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, bậc THCS, các môn học Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học là riêng biệt. Tuy nhiên trong chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn học này sẽ tích hợp trở lại hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Điều này khiến nhiều giáo viên, học sinh lo lắng việc dạy và học bị xáo trộn khi các thầy cô đã quen với việc dạy đơn môn.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh, đồng chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 – bộ Cánh diều cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, hai môn học Lịch sử và Địa lý sẽ gộp lại, gọi chung là môn "Lịch sử và Địa lý". Ông cùng nhóm tác giả vừa hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa liên môn mới này.
Dù kiến thức ở hai môn giao nhau nhưng vẫn sẽ đảm bảo tính phân môn nhất định. Theo đó, nội dung trong sách Lịch sử và Địa lý các cấp học từ THCS trở lại sẽ có bốn chủ đề gồm: Phát kiến địa lý- đô thị trong lịch sử; đồng bằng sông Hồng; đồng bằng sông Cửu Long và chủ quyền biển đảo. Bốn chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9, riêng lớp 6 mới chỉ dừng lại ở việc gộp hai phân môn thành một, chưa có nhiều sự giao thoa.
Trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 mới, nhóm tác giả vẫn lồng ghép thêm chủ đề về biển đảo. Các kiến thức không chỉ đơn thuần nguyên về biển đảo, mà còn các vấn đề về chủ quyền, xác định vị trí chiến lược của biển đảo Việt Nam, từ đó giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm về việc bảo vệ chủ quyền dân tộc của học sinh.
Tương tự, các môn như Sinh học, Hóa học, Vật lý cũng được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên trong chương trình sách giáo khoa lớp 6.
Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 - bộ Cánh Diều thông tin: “Khi làm sách giáo khoa lớp 6, chúng tôi xác định xây dựng Khoa học tự nhiên là môn học tích hợp, còn Địa lý và Lịch sử là môn học phối hợp. Sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên phải đảm bảo vừa hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy tích hợp, vừa đổi mới phương pháp giảng dạy trước yêu cầu phù hợp với năng lực học sinh".
Về cách bố trí nội dung, các tác giả biên soạn xây dựng theo mạch nội dung, tích hợp các kiến thức. Ví dụ khi cô giáo dạy về vật thể sống, nội dung không chỉ đơn thuần là kiến thức sinh học, mà còn tích hợp nhiều kiến thức khác nhau. Do vậy, đòi hỏi giáo viên dạy Sinh học ngoài việc dạy kiến thức phải đảm nhận thêm việc bổ sung các kiến thức nền cho học sinh.
Việc tích hợp sẽ giảm nội dung trùng lặp giữa các môn học Vật lý, Hoá học và Sinh học. Ví dụ, nội dung protit, lipit, gluxit dạy trong kiến thức Hoá học thì sẽ không cần dạy trong kiến thức Sinh học nữa; khái niệm vật chất đã dạy trong nội dụng Hoá học sẽ không cần dạy trong nội dung Vật lý nữa; chủ đề về năng lượng trước đây được dạy riêng trong từng môn nay được tích hợp chung; chủ đề nước trong tự nhiên trước đây được dạy cả ở Hoá học và Vật lý thì nay được dạy chung trong môn Khoa học tự nhiên.
Mặc dù dạy môn tích hợp, không còn riêng biệt từng môn như trước đây nhưng số lượng công việc của thầy cô không thay đổi
Theo vị chủ biên sách, ở Việt Nam, đây là môn học đầu tiên tích hợp. Vì vậy để giáo viên có thể dạy được là thách thức rất lớn, cần bám sát nội dung bồi dưỡng, tập huấn.
Ông cũng cho biết, việc viết sách lần này cũng rất vất vả. Đây không còn là trách nhiệm mà còn cần tình yêu thực sự với đổi mới giáo dục mới có thể vượt qua. Sách được biên soạn với phương châm tinh giảm, kế thừa nội dung hiện hành, đạt được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, thiết thực, gắn liền với cuộc sống. Thông qua môn học giúp học sinh khơi nguồn sáng tạo, tư duy rộng hơn trong quá trình học tập. Đây cũng chính là quan điểm xuyên suốt trong quá trình biên soạn bộ sách giáo khoa Cánh diều.
"Mỗi quốc gia sẽ có những cách tích hợp các môn khác nhau. Chúng tôi chọn cách tích hợp ở mức độ vừa phải, phù hợp với trình độ giáo viên phổ thông hiện hành, để các thầy cô yên tâm giảng dạy", phó giáo sư Tuấn nhấn mạnh.
Tích hợp không phải trộn lẫn
Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng việc đánh giá năng lực của học sinh, điều này được tích lũy thông qua cả quá trình học tập dài, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, khơi gợi khả năng liên hệ kiến thức của các em hơn là việc phải học thuộc, phải học ghi nhớ.
Dạy học tích hợp là nhu cầu phát triển năng lực, không chỉ áp dụng riêng với các môn Khoa học tự nhiên mà các môn học khác cũng phải tính toán đến xu hướng này. Hiện các nước trên thế giới đều dạy tích hợp các môn này, thậm chí rất khó để tìm ra nước nào không dạy tích hợp, các nước anh em như Lào, Campuchia đã áp dụng từ rất lâu.
Dạy và học tích hợp không phải trộn lẫn hỗn độn nội dung môn này với môn kia. Kiến thức Hoá học vẫn phải là Hoá học, Sinh học vẫn phải là Sinh học, không biến dạng, mà tích hợp các kiến thức, liên kết tạo thành mạch với nhau.
"Dạy học tích hợp phải đảm bảo tính đa dạng, tính tương tác, tính hệ thống, quy luật vận động và biến đổi, tất cả những tính chất này là sợi dây liên kết với nhau. Dạy và học tích hợp có khó không? Chúng tôi đã nghiên cứu, xây dựng để phù hợp với chương trình dạy và học THCS và THPT. Thực chất tích hợp này mới ở mức nông, chưa phải tích hợp quá sâu thành chuyên đề. Do vậy. giáo viên, học sinh hoàn toàn có thể yên tâm trong dạy và học", ông Tuấn khẳng định.
Bình luận