Thật vô lý khi mỗi lần cơ quan chức năng muốn dẹp bỏ cà phê đường tàu Hà Nội là lại có những ý kiến muốn duy trì nó với cái cớ “phát triển kinh tế du lịch” và “giữ lại một địa điểm độc đáo của Hà Nội”. Trong khi trên thực tế, sự tồn tại của những quán cà phê dọc đường ray xe lửa rõ ràng là vi phạm pháp luật và cực kỳ nguy hiểm.
Hành lang an toàn của đường sắt được quy định là 3 m, nhưng ở khu vực trên, hai bên nhà dân chỉ cách mép ray ngoài cùng trên dưới 2 m. Đây là lỗi do lịch sử để lại, chưa thể khắc phục ngay, nhưng việc du khách đi lại, chụp ảnh trên đường ray hoặc ngồi uống cà phê ngay cạnh đó rồi ôm bàn chạy mỗi lần tàu đi qua... chính là sự coi thường pháp luật của cả chủ lẫn khách, là sự chưa làm tròn trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Năm 2019, việc đoàn tàu LP5 đi Hải Phòng phải dừng khẩn cấp tại khu “phố cà phê đường tàu” để tránh những người đang trên đường ray và chờ hơn một phút cho du khách di chuyển hết ra khỏi đó đã khiến bao người rùng mình sợ hãi. Nguy cơ tai nạn quá rõ ràng. Thời điểm ấy, quản đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cũng chia sẻ rằng lái tàu mỗi lần đi qua khu vực Phùng Hưng đều căng thẳng, dù tốc độ chạy tàu tối đa theo quy định là 25 km/h song họ thường chỉ dám chạy dưới 20 km/h và kéo còi liên tục.
Vậy mà đến nay, “phố” này vẫn tấp nập và nghe tin nó sắp bị dẹp bỏ, nhiều người còn cố tranh thủ đến để trải nghiệm. Thực trạng đó càng cho thấy, việc xóa cà phê đường tàu là cấp thiết và phải làm thật quyết liệt, triệt để. Làm thế, Hà Nội chỉ được mà không mất gì cả, vì sao?
Nhiều người gọi cà phê đường tàu là “sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Nội”, là thứ đóng góp vào kinh tế Thủ đô. Nhưng kinh tế không đi lên nhờ dãy quán cà phê nhếch nhác và nguy hiểm này; diện mạo du lịch của mảnh đất nghìn năm văn hiến cũng không nên mang dáng vẻ của sự vi phạm pháp luật và xem thường mạng người này. Chúng ta cần du khách nhắc đến du lịch Hà Nội với những di sản vật thể và phi vật thể mang nét đẹp của văn hóa, con người Hà Nội trong chiều dài lịch sử và đời sống đương đại, chứ không phải là ấn tượng về sự tùy tiện, nhếch nhác.
Nói cho cùng, cà phê đường tàu chỉ đem lại món tiền nhỏ cho một bộ phận nhỏ cư dân, và chủ yếu để phục vụ thói “sống ảo” của một số du khách, những người đang góp phần cổ vũ trào lưu có hại bằng việc đánh cược sự an toàn của bản thân cho vài bức ảnh hay chút “cảm giác mạnh”. Dù những bức ảnh có khác lạ và độc đáo cỡ nào, đó không phải là trải nghiệm văn hóa, vì văn hóa phải đi liền với vẻ đẹp và các giá trị đúng đắn. Cà phê đường tàu chính xác là sản phẩm của thói bừa bãi, vô pháp luật.
Nếu không dẹp thẳng tay, thiệt hại sẽ rất lớn. Đó là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người, là tiền bạc đổ ra để khắc phục hậu quả; và nguy hiểm không kém là sự lan truyền những quan niệm sai lệch về lối sống, những giá trị ảo, những trào lưu có hại cho cộng đồng, sự cổ vũ hành vi coi thường pháp luật.
Dẹp cà phê đường tàu có khó không? Không, nếu cơ quan chức năng cứ đúng luật mà làm. Đây là hành lang chạy tàu, không phải nơi để kinh doanh, cũng không phải điểm vui chơi. Về tình hay về lý đều không thể bảo vệ, duy trì phong cách cà phê quái đản, nguy hiểm này.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận