Tây Ban Nha có hơn 21.000 người chết
Bộ Y tế Tây Ban Nha hôm 22/4 cho biết, nước này ghi nhận thêm 435 người chết trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết do virus corona chủng mới ở nước này lên 21.717.
Tây Ban Nha là nước có số ca thiệt mạng do COVID-19 cao thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Italy. Số ca nhiễm bệnh ở nước này là hơn 208.000 trường hợp.
Các biện pháp phong tỏa trên phạm vi toàn quốc đã được áp dụng tại Tây Ban Nha từ ngày 14/3. Lệnh phong tỏa sau đó đã được gia hạn hai lần và sẽ kéo dài đến ngày 9/5.
Thủ tướng Pedro Sanchez hôm 22/4 cho biết các biện pháp nới lỏng hạn chế tình trạng phong tỏa có thể sẽ bắt đầu vào nửa cuối tháng 5.
"Hy vọng sẽ thu hẹp dần biện pháp hạn chế vào nửa cuối tháng 5. Vào giai đoạn 2 của cuộc chiến, những hạn chế sẽ dần được điều chỉnh. Chúng tôi phải cực kỳ cẩn thận trong giai đoạn này. Thời gian thu hẹp biện pháp hạn chế sẽ chậm và diễn ra từ từ, phải thực sự đảm bảo an toàn", Thủ tướng Pedro Sanchez cho hay.
“Tuy nhiên, biện pháp hạn chế sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng vì chúng tôi không muốn phải hứng chịu bất kỳ rủi ro nào khác", ông Sanchez nói và nhấn mạnh rằng "bất kỳ sự lạc quan nào cũng phải được tiết chế bởi sự cẩn trọng".
Các quan chức y tế Tây Ban Nha tin rằng dịch bệnh đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 2/4 khi chứng kiến 950 người chết trong một ngày - gần ba tuần sau khi chính phủ áp đặt phong tỏa 47 triệu công dân trên toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Đức lần đầu thử nghiệm vaccine trên người
Viện Vaccine liên bang Đức cho biết, một thử nghiệm lâm sàng về vaccine ngừa COVID-19 đã được phê duyệt.
Thử nghiệm sẽ chứng kiến 200 người khỏe mạnh, trong độ tuổi từ 18 đến 55 tham gia. Những người này sẽ nhận được một số biến thể của vaccine, được phát triển bởi công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech.
Các nhà khoa học sẽ kiểm tra hiệu quả của vaccine trong việc cung cấp khả năng miễn dịch chống lại virus corona chủng mới. Các xét nghiệm bổ sung sẽ được tiến hành trên nhiều người trong giai đoạn thứ hai, trong đó có cả những người có nguy cơ nhiễm virus.
BioNTech cho biết họ đang phát triển vaccine được đặt tên là BNT162, trên cơ sở hợp tác cùng với công ty dược phẩm khổng lồ Pfizer. BNT162 cũng được thiết lập để thử nghiệm ở Mỹ.
Cuộc đua phát triển vaccine ngừa virus corona chủng mới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 đang diễn ra nhanh chóng trên thế giới. Có 86 nhóm trên toàn thế giới hiện đang nghiên cứu để phát triển vaccine ngừa COVID-19, trong đó một số ít ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Mới đây, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tuyên bố các nhà khoa học tại Đại học Oxford sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaaccine trên người vào hôm 23/4. Theo đó, khoảng 500 tình nguyện viên dự kiến sẽ ghi danh vào chương trình vào giữa tháng 5 và chính phủ Anh cam kết đầu tư 20 triệu bảng cho nghiên cứu.
Tại Trung Quốc, các thử nghiệm lâm sàng ở người trong giai đoạn đầu đối với hai loại vaccine đã được phê duyệt vào đầu tháng này.
Còn tại Mỹ, hãng dược phẩm Moderna đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người đối với vaccine do hãng này và Viện Y tế Quốc gia Mỹ hợp tác điều chế.
Bình luận