• Zalo

Buôn xe nhập: "Mua 1, bán 10"

XeThứ Ba, 20/03/2012 07:14:00 +07:00Google News

Nếu quay ngược thời gian, ít ai biết được rằng, buôn xe đem lại mức siêu lợi nhuận như thế nào.

Thời gian gần đây, báo chí nói nhiều về sự khó khăn của các nhà nhập khẩu xe hơi. Nhưng nếu quay ngược thời gian, ít ai biết được rằng, buôn xe đem lại mức siêu lợi nhuận như thế nào.

40 đến 50.000USD (tương đương với khoảng 800 đến 1 tỷ đồng) đó là mức lợi nhuận có thể thu được khi bán một chiếc xe của các nhà nhập khẩu. Con số này khiến bạn phải giật mình, nhưng đó là thực tế. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sự thật.

“Mua 1, bán 10”

Để kiềm chế nhập siêu, chống lạm phát, Nhà nước đã tăng thuế nhập khẩu, thuế trước bạ đối với ôtô nguyên chiếc. Tuy nhiên, cách xác định giá trị tính thuế, việc thẩm tra giá bán của ô tô nhập khẩu trên thị trường vào thời hoàng kim của xe nhập khẩu (tính từ trước thông tư 20 được ban hành trở về trước) đã có vấn đề.

Một chiếc xe nhập có giá trị càng lớn, nhà nhập khẩu lãi càng cao. Trước thông tư 20, các nhà nhập khẩu xe hơi thu được lợi nhuận “khủng” từ mặt hàng này 
Cứ mỗi lần Nhà nước ban hành chính sách tăng thuế, siết chặt xe nhập khẩu, giới doanh nghiệp kinh doanhôtô nhập khẩu kêu “khó”, than “lỗ”. Nhưng thực chất, họ có lỗ không?

Anh Dũng, cựu nhân viên của một doanh nghiệp kinh doanh ôtô nhập khẩu khẳng định: “Dù có đánh thuế cỡ nào thì cũng chỉ ảnh hưởng đến mức lãi của các doanh nghiệp mà thôi. Thực chất là họ không thể lỗ vì ‘thuyền dâng thì nước dâng’, thuế cao thì họ tăng giá bán xe. Lợi nhuận trên mỗi chiếc xe ôtô nhập khẩu là rất lớn, chỉ cần bán một xe là lãi cũng đủ trả lương, nuôi công ty trong vòng một tháng rồi”.

Các doanh nghiệp nhập khẩu luôn có cách tránh thuế rất giỏi. Ví dụ, cách đây vài năm, xe Kia Morning nhập khẩu trên thị trường giá là từ 17.000 đến 18.500 USD/chiếc (tùy theo là số sàn hay số tự động, dung tích từ 999cc đến 1.100cc), vậy mà mức giá khai báo nhập khẩu chỉ là 3.800 - 4.500 USD/chiếc. Thậm chí nếu đưa về một số tỉnh để thông quan thì mức giá khai báo và được chấp nhận để tính thuế còn thấp hơn thế.

Ví dụ, có thời điểm Hải quan Ninh Bình chấp nhận thông quan xe Kia Morning với trị giá để tính thuế chỉ là 3.100 USD/chiếc. Vậy tại sao khi đến tay người tiêu dùng, giá xe lại đội lên cao như vậy?

Lấy thời điểm trước khi Thông tư 20 được ban hành, xe ôtô du lịch mới nhập khẩu về Việt Nam phải chịu 3 loại thuế là thuế nhập khẩu (TNK) bằng 82%, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) bằng 30% đối với loại xe trên 5 chỗ ngồi và 50% đối với xe dưới 5 chỗ ngồi, cuối cùng là thuế Giá trị gia tăng (GTGT) bằng 10%.

Thử làm một phép tính với mức giá đánh thuế xe Kia Morning là A= 3.800USD/chiếc thì TNK sẽ là: A×82% = 3.800 × 82% = 3.116 (USD), thuế TTĐB= (A+ TNK)×50% = (3.800+ 3.116) × 50% = 3.458USD, thuế VAT là: (A+ TNK+ TTĐB) ×10% = (3.800+ 3.116+ 3.458) × 10%= 1.037USD. Vậy tổng các loại thuế phải nộp cho Hải quan là: TNK + TTĐB + VAT = 7.611USD. Trị giá của xe sau khi tính đủ các loại thuế là 3800 + 7611 = 11.411USD.

Xe Kia Morning 999cc lúc đó được bán trên thị trường với giá khoảng 17.000 USD/chiếc. Mức chênh lệch tới 5.589 USD/chiếc, cao gấp rưỡi mức giá nhập khẩu theo khai báo của doanh nghiệp (lãi 5.589 USD/chiếc so với giá khai báo là 3.800 USD/chiếc). Dù trừ đi các chi phí vận chuyển, phí bến bãi… thì lãi của doanh nghiệp vẫn là hàng nghìn USD/chiếc ôtô nhập khẩu.

Đó là một chiếc xe thông thường. Còn các loại xe hạng sang như Porsche, Lexus, Audi thì mức lợi nhuận còn cao hơn gấp nhiều lần.

Chị H.Y (Showroom xe nhập khẩu V.N) cho hay: “Thời showroom làm ăn tốt, chúng tôi nhập một chiếc Porsche như Cayenne về khoảng gần 100.000USD, cộng các loại thuế vào, chiếc xe có giá rơi vào khoảng 250.000USD, và nếu xe khan hoặc có đơn đặt hàng sẵn, công ty hoàn toàn có thể bán chiếc xe với giá tầm 290.000USD”.

Cũng theo chị Y, giá xe nhập được các nhà nhập khẩu điều chỉnh căn cứ vào tình hình thị trường, các loại thuế. Do đó, chuyện lãi lời là vô cùng, có khi lãi đến vài chục ngàn đô một chiếc xe là chuyện hết sức bình thường.

“Kiếm đủ” từ một chiếc xe

Có một thực tế là khách hàng đi mua ôtô nhập khẩu bao giờ cũng bị ghi giá trong hóa đơn thấp hơn rất nhiều so với giá thanh toán thật. Khi khách hỏi thì nhân viên trả lời rằng làm như thế khách hàng sẽ có lợi bởi sẽ tránh được thuế trước bạ mức cao. Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là chiêu “trốn thuế, né hải quan” của doanh nghiệp, còn khách hàng chẳng được lợi gì.

ột chiếc xe Kia Morning nhập khẩu cũng có thể thu lời 4.000-5.000 USD 

Có hai lý do để doanh nghiệp kinh doanh ôtô nhập khẩu tìm mọi cách để ghi hóa đơn thấp. Thứ nhất, họ muốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu họ ghi giá bán hàng thấp thì trong sổ sách tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của họ sẽ thấp. Như thế, khoản tiền thuế của họ sẽ được kéo tụt xuống. Thứ hai, ghi giá bán thấp, họ sẽ tránh được sự kiểm soát của cơ quan thuế, hải quan về giá nhập khẩu. Anh T (Công ty CPNK ôtô H.A, Nguyễn Văn Cừ) cho hay: “Vào thời điểm xe bán chạy, mỗi tháng Công ty bán được từ 30 đến 40 chiếc xe. Thời đó bán xe kiếm lắm mà cũng dễ bán”. Căn cứ vào số lượng xe bán ra, vào việc khai thấp mức giá đánh thuế, khai thấp giá trong hóa đơn thì số tiền mà các doanh nghiệp nhập khẩu kiếm được trong một tháng là không hề nhỏ.

Doanh nghiệp “kiếm” được, nhân viên của các công ty chuyên nhập khẩu xe cũng được thơm lây. Anh Đ.K (nhân viên bán hàng của showroom V.A trên đường Lê Văn Lương) cho biết: “Nói về thu nhập của sales thì cũng vô cùng, tùy thuộc từng người, có người kiếm vài chục triệu/ tháng, có người không đủ doanh số hưởng lương cứng vài triệu đồng. Chủ yếu là bán đủ số lượng quy định sẽ được hưởng lương cứng, phần lương này cụ thể là bao nhiêu thì do quy định của từng công ty. Ngoài ra lương còn phụ thuộc vào số lượng ôtô bán được. Có thể từ vài triệu đến vài chục triệu một tháng. Đó là còn chưa kể, một nhân viên sales, ngoài bán hàng chính cho công ty mình, còn dẫn khách đến showroom khác, mình làm giá với showroom đó, rồi làm giá với khách, bán một con xe có khi lãi 2000USD”.

Anh K cũng tiết lộ thêm, sales vẫn kiếm được nhất trong một công ty nhập khẩu xe, nhưng các nhân viên khác cũng có nhiều nguồn thu. Ông bao làm thuế má cho khách kiếm được 1-2 triệu con xe. Bà giới thiệu khách cho ngân hàng và làm hồ sơ cũng thu được khoảng 1 triệu đồng/xe. Một tháng bán được vài chục xe, chỉ cần chục xe khách làm thủ tục trả góp ngân hàng là những người này cũng có được khoản kha khá.

Thời kì xe nhập khẩu còn “vượng”, ngay cả đến anh dọn xe trong showroom tổng thu nhập một tháng cũng lên tới 15 đến 17 triệu đồng. Chị N (nhân viên kế toán của Chợ xe T.H) kể: “Thông thường, khi khách lấy xe nhập về đều phải đi dọn nội thất. Chợ xe chỗ mình có một anh chuyên dọn nội thất. Ngoài lương cứng, anh ta còn được tiền dọn xe, lau xe do khách hàng “bo” cho. Nếu khách hàng ở xa, như ở Lạng Sơn, Quảng Ninh chẳng hạn, khách nhờ lái xe từ HN lên tỉnh giao xe, lại được thêm khoản “bo” khác. Công việc khá đơn giản, nhưng lương tháng cũng tầm trên chục triệu”.

Nói như vậy để thấy rằng, để mua được một chiếc xe nhập khẩu, khách hàng phải chi đủ thứ tiền. Và số tiền đó vào tay ai thì đã quá rõ. Nhìn nhận một cách khách quan, việc Nhà nước ban hành Thông tư 20 siết chặt xe nhập khẩu đã kéo theo nhiều hệ lụy, giảm sức cạnh tranh nhưng không phải là không có cái được của nó, mà cái được lớn nhất là chống thất thu thuế.

Theo Pháp luật & Xã hội

Bình luận
vtcnews.vn