Mới đây, đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain, người từng ăn bún chả với Tổng thống Obama giới thiệu quán "bún chửi" ở phố Ngô Sĩ Liên trên kênh CNN.
Trong chương trình, ông Bourdain nhận xét: “Quán gắn liền với bà chủ, nổi tiếng vì cách giao tiếp thẳng thắn và suồng sã với khách”. Tiếp đến, hình ảnh một vị khách nữ đứng phân vân khi chọn món liền bị bà chủ quát: “Đứng đấy làm gì, gọi cái gì gọi nhanh lên, gọi gì mà lâu thế. Quán chị không có mọc, em thích thì ra ngoài chợ, tốt nhất là về nhà tự nấu lấy ăn nhé, ở đây không nấu. Đi luôn”.
Sau đó, đầu bếp Bourdain hài hước nói rằng: “Chúng tôi nghe những lời mắng chỉ để thưởng thức món này”. Trong suốt quá trình thưởng thức món bún, ông không ngớt lời khen hương vị đậm đà.
Video: Phóng sự về quán 'bún chửi' trên phố Ngô Sĩ Liên lên CNN
Sau khi phóng sự về quán "bún chửi" phát sóng trên CNN, một cuộc tranh luận gay gắt nổ ra. Có người cảm thấy tự hào vì nét ẩm thực độc đáo của Hà Nội được giới thiệu với thế giới. Tuy nhiên, một số khác lại cảm thấy xấu hổ vì cho rằng "miếng ăn là miếng nhục".
Trước luồng dư luận trái chiều này, PV VTC News có cuộc trò chuyện với PGS.TS Hà Đình Đức - một nhà nghiên cứu văn hóa từng có nhiều năm gắn bó với Hà Nội.
- Ông nghĩ sao về việc quán bún chửi ở phố Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) được giới thiệu trên kênh CNN?
Tôi cho rằng, đó không phải là điều thú vị hay đáng tự hào, càng không thể coi đó là nét văn hóa ẩm thực của Hà Nội cần được giới thiệu ra thế giới. Ở Hà Nội thiếu gì món ăn ngon, thiếu gì nét độc đáo về ẩm thực mà lại đề cập lại quán "bún chửi".
Người Hà Nội xưa nổi tiếng là thanh lịch. Nếu tìm hiểu, có thể thấy, gốc gác người chủ quán "bún chửi" không phải là người Hà Nội. Đó là thứ văn hóa pha tạp của đô thị thời mở cửa và của người dân du nhập.
- Có người cho rằng, quán "bún chửi" đó là nét ẩm thực đường phố. Chúng ta không nên đem tiêu chuẩn nhà hàng ra so sánh với những quán nhỏ dành cho đối tượng bình dân. Ông thấy nhận xét này thế nào?
Đó không phải là ẩm thực đường phố. Dù có là quán trên vỉa hè hay trong khách sạn 5 sao việc đầu tiên của người chủ vẫn phải là tôn trọng thực khách. Không thể có chuyện chủ quán cứ mắng chửi khách xơi xơi như thế.
Nếu coi đó là ẩm thực đường phố, chẳng lẽ sau này chúng ta sẽ có phố "ẩm thực chửi" hay "chửi ẩm thực" hay sao? Rồi thực khách vừa thưởng thức món ăn vừa nghe chửi như nghe ca nhạc sao?
Tôi cho rằng, những người tới ăn cũng chẳng hay ho gì, họ thuộc dạng "cối chày ăn lấy được", còn cái tai họ chai lỳ rồi.
PGS-TS Hà Đình Đức
- Theo ông, vì lý do gì người bán thì chửi té tát, còn người ăn thì vẫn tấp nập tới?
Tôi cho rằng, những người tới ăn cũng chẳng hay ho gì. Họ thuộc dạng "cối chày ăn lấy được", còn cái tai họ chai lỳ rồi.
Còn với những người có lòng tự trọng, họ sẽ không bao giờ tới quán, hoặc nếu có "bị" đến một lần, họ sẽ không bao giờ quay trở lại.
Việc "bún mắng, cháo chửi" tồn tại cho đến ngày nay một phần lỗi thuộc về những thực khách. Chủ quán chửi, khách lại thấy thích thú và kéo tới ăn nhiều hơn, vậy tội gì người ta không chửi và chửi nhiều hơn nữa.
Rồi từ đó, những "bún mắng, cháo chửi" phẩy tiếp tục ra đời. Nó sẽ góp phần làm hỏng nền văn hóa Hà Nội.
- Vậy mà bà chủ quán vừa mới tiết lộ, sau khi phóng sự về quán được phát sóng trên CNN, khách tới ăn ngày càng đông.
Bên cạnh những người "ăn lấy được" thì cũng có người đến quán do tò mò. Họ thấy cái gì "nổi tiếng" là lập tức chạy xô tới, chưa cần biết đúng hay sai, ngon hay dở. Điều này cũng giống như một nhà cãi nhau, cả xóm chạy tới xem, mặc dù điều đó chẳng hay ho gì.
Tuy nhiên, cái gì đến vì tò mò thì sẽ đi rất nhanh. Quán "bún chửi" có thể trước đây đông khách, sắp tới sẽ vẫn có nhưng theo thời gian, khi văn hóa của người dân được nâng cao, tôi tin quán sẽ không còn "nổi tiếng" như hiện nay.
- Cảm ơn ông.
Bình luận