• Zalo

Bùi Tiến Dũng 'chạy sô' kiếm tiền thì có gì sai trái?

Thể thaoThứ Ba, 24/04/2018 13:17:00 +07:00Google News

Bùi Tiến Dũng có quyền làm tất cả những gì mình muốn, miễn là duy trì được nỗ lực tập luyện trên sân và chứng tỏ khả năng ở những lần hiếm hoi được tạo cơ hội ra sân.

Thành công tại giải U23 châu Á đưa các tuyển thủ U23 Việt Nam "một bước lên tiên", trở thành thần tượng của triệu triệu người hâm mộ. Nhưng thật tiếc, với cá nhân Bùi Tiến Dũng - gương mặt đáng chú ý nhất, những câu chuyện đưa thủ môn này xuất hiện trên mặt báo lại... không liên quan nhiều đến bóng đá.

Bùi Tiến Dũng đang chịu cảnh dự bị ở FLC Thanh Hóa sau khi mất vị trí chính thức vào tay đàn anh Thanh Thắng. Sau khi HLV Marian Mihail chia tay đội bóng xứ Thanh, Tiến Dũng chưa lần nào trở lại trấn giữ khung thành. Sự xuống dốc (có thể cho là như vậy) của thủ môn sinh năm 1997, trớ trêu thay, lại trùng hợp với những chuyến chạy sô tất bật. "Người gác đền" của U23 Việt Nam tham gia nhiều sự kiện, và mới đây nhất là vai trò người mẫu trên sàn catwalk gây bất ngờ cho người hâm mộ.

buitiendung-15245297636781416016686

 Bùi Tiến Dũng bất ngờ xuất hiện trên sàn catwalk.

Những bước chân gượng gạo của Tiến Dũng trong diện mạo bảnh bao, sáng láng khiến khán giả hò reo cuồng nhiệt. Nhưng ở nơi khác, không phải ai cũng hứng thú với hình ảnh Tiến Dũng không gắn liền với bóng đá. Với một bộ phận người hâm mộ, Tiến Dũng cần tập trung tối đa cho chuyên môn, thay vì dành mối quan tâm cho những câu chuyện bên lề. 

Mọi ý kiến, dù trái chiều nhau, đều có cái lý của nó, và đều xuất phát từ tình cảm chân thật của người hâm mộ dành cho cầu thủ đóng vai trò then chốt trong chiến tích lịch sử của U23 Việt Nam. Tuy nhiên, những lời chỉ trích, chê bai Tiến Dũng hiện tại có công bằng không, khi thủ môn sinh ra ở Ngọc Lặc này còn rất trẻ và cần có những khoảng lặng hay không gian riêng để làm những điều mình muốn?

Thứ nhất, nói Tiến Dũng vì hoạt động bên lề mà chểnh mảng tập luyện là không có cơ sở. HLV Marian Mihail - người trực tiếp huấn luyện và hiểu rõ Tiến Dũng nhất, đã khẳng định "Tiến Dũng là biểu tượng của sự chuyên nghiệp, khiêm tốn, nỗ lực và chăm chỉ trong tập luyện. Cậu ấy hội tụ đủ những tố chất để trở thành thủ môn tốt nhất Việt Nam".

Tất nhiên, lời khen của HLV Mihail chỉ là ý kiến tham khảo từ một phía, nhưng có một phía vẫn tốt hơn là... không có phía nào, khi người hâm mộ "võ đoán" Tiến Dũng không chú tâm tập luyện mà không có bất cứ cơ sở, căn cứ cụ thể.

Những giọt mồ hôi đổ trên sân tập là điều ít ai nhìn thấy, còn hình ảnh Tiến Dũng xuất hiện trong ít phút ở tuần lễ thời trang lại xuất hiện tràn ngập trên mặt báo. Nếu chỉ đánh giá bản chất cầu thủ qua những lần chạy show, liệu có công bằng với một cầu thủ mới ở ngưỡng đôi mươi?

Mihail

 HLV Mihail khẳng định Tiến Dũng rất chuyên nghiệp trong tập luyện.

Thứ hai, trong thời đại bóng đá thương mại, chuyện cầu thủ "lấn sân" sang lĩnh vực khác là chuyện bình thường. Ở Việt Nam, thương mại hóa bóng đá chưa phát triển mạnh khiến cầu thủ không có cơ hội tham gia các hoạt động bên lề, nhưng mọi xu hướng cần có điểm khởi đầu. Nếu cầu thủ có những đam mê, dự định khác bên ngoài trái bóng, đó cũng không phải điều đáng trách. Việc sa sút phong độ hay tham dự sự kiện không có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Khi cầu thủ không thể hiện sự tiến bộ, đó có thể vì sức ép dư luận, vì chểnh mảng, hay đơn giản vì tiềm năng cầu thủ chỉ có vậy. Nên nhớ, lứa U23 Việt Nam mới ở mức tiềm năng, và có đến quá nửa đội hình đang không có "đất diễn" ở V-League, chứ không riêng gì Tiến Dũng. 

Quyết định "lấn sân" sang showbiz hay bất kể lĩnh vực gì, cầu thủ cũng đều phải đối diện với danh vọng. Đó là vinh quang, đồng thời là cạm bẫy. Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến không ít cầu thủ sa lầy trong hố đen danh vọng, nhưng điều đó không có nghĩa, cứ bước chân vào danh vọng đồng nghĩa với sa chân vào cạm bẫy. Định kiến đó cản trở cầu thủ Việt Nam trong việc tìm kiếm thêm những nguồn thu nhập chân chính khác mà cầu thủ thế giới đã làm từ rất lâu. 

Bản chất của bóng đá thương mại không xấu, vấn đề là những người chỉ bảo, dẫn dắt cầu thủ để tìm ra định hướng tốt nhất. Còn nếu vì sợ định kiến hay cái nhìn soi mói của người hâm mộ, không ít cái tên sẽ tự đánh mất cơ hội của mình. Bên cạnh đó, nhận thức của cầu thủ cũng đóng vai trò quan trọng.

Trong buổi chia sẻ cùng On Sports, Tiến Dũng khẳng định "lâu nay tôi như nào thì bây giờ cũng như vậy thôi" hay "tôi rất hạnh phúc, bởi hiện tại là điều chính tôi mong muốn có được. Tôi đang cố gắng tận hưởng tất cả".

Khi cầu thủ hạnh phúc với những đồng tiền chân chính mà mình kiếm được, tại sao một bộ phận người hâm mộ muốn dùng cái nhìn của mình để phán xét và "sống hộ" cuộc đời của người khác?

Tien Dung GK

Tiến Dũng có đáng bị chỉ trích nhiều như vậy?

Cuối cùng, khi trả lời phỏng vấn, Tiến Dũng cũng nhắc lại những tháng ngày gian khổ, khi thủ thành này còn chưa nổi tiếng và phải cố gắng từng ngày để có được chỗ đứng trong khung thành: "Khi tham dự giải U19 Quốc gia trên trung tâm Viettel, FLC Thanh Hóa có mượn tôi về để tham dự giải đó. Nghĩ lại, mình chỉ có giải đó để tạo nên sự thay đổi. Tôi tập luyện rất nhiều để có được suất bắt chính, sau giải đó tôi được gọi lên tuyển U19 Việt Nam. Từ lúc ấy, tôi rất hài lòng và thỏa mãn với những cố gắng của mình".

Tiến Dũng không quên mình xuất phát từ đâu, và phải cố gắng thế nào để có được ngày hôm nay. Nhận thức rõ ràng như vậy, thủ môn của FLC Thanh Hóa sẽ không dễ dàng đánh mất mình.

Những sự cố liên quan đến Tiến Dũng tương tự câu chuyện xảy ra với Công Phượng 3 năm trước. Khi ấy, người hâm mộ "tự phong" cho Công Phượng biệt danh "Messi Việt Nam" và đặt lên vai cầu thủ này sức ép khủng khiếp ở tuổi 20. Đến khi Công Phượng chững lại, nhiều người lại đổ lỗi cầu thủ... ảo tưởng và không biết mình là ai. Thực tế, Công Phượng chưa một lần tự khen bản thân. Khi được hỏi về biệt danh "Messi Việt Nam", Phượng cũng chỉ cười bẽn lẽn. Cầu thủ không tự khen mình bao giờ, chỉ có người khác khoác lên cho họ một tấm áo tương xứng với kỳ vọng của mình. Và tấm áo ấy thì luôn quá rộng với các cầu thủ.

Tiến Dũng cũng được mệnh danh là "thủ môn quốc dân", được ca ngợi với hàng loạt mỹ từ. Nhưng Tiến Dũng là người ý thức rõ nhất khi khẳng định "tôi chưa phải thủ môn giỏi".

Thủ thành người Thanh Hóa còn phải nỗ lực rất nhiều để nâng tầm bản thân, nhưng muốn đi lên, Tiến Dũng cứ phải sống cho mình, thay vì cố gò ép vào khuôn mẫu của người khác để làm vừa lòng tất cả.

Thành quả hôm nay của Tiến Dũng đến từ những giọt mồ hôi và cơn đau không ngừng vì những "mũi gai" trên chặng đường nhiều người lầm tưởng là trải đầy hoa hồng. Được tận hưởng từ những thành công ấy, dù chỉ trong phút chốc, liệu có gì sai trái hay không?

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn