1. Nếu hỏi bất kỳ một người dùng Internet nào về sự kiện nổi bật nhất trong tuần vừa qua, phủ khắp các mặt báo, ắt hẳn câu trả lời sẽ là sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Một sự kiện chính trị của một đất nước nhưng lại nhận được nhiều sự quan tâm của rất nhiều người.
Đơn giản bởi Anh là một trong những cái nôi của khoa học kỹ thuật thế giới, một nền kinh tế lớn và một miền đất hứa mong ước thay đổi cuộc sống của rất nhiều người.
Sự kiện Anh rời EU càng trở nên ồn ào, tranh cãi hơn khi hậu trưng cầu dân ý, đã có tới 3 triệu cử tri ký đơn gửi lên Quốc hội Anh đòi trưng cầu dân ý lần hai. Trong số những cử tri này đã bỏ phiếu chọn Brexit (Britain + Exit), tức quyết định rời EU đã cảm thấy hối hận vì họ chợt nhận ra những tác hại của tương lai như mất quyền tự do đi lại giữa các nước thuộc EU, thị trường tài chính đảo lộn, giá trị đồng bảng Anh mất giá v.v…
Trong tương lai, nước Anh có thể đi theo hướng bất định.
Nhưng những cử tri chọn Anh rời EU cũng có cái lý của mình khi cho rằng Anh sẽ không phải dùng tiền ngân sách của mình đi nuôi những nước nghèo khác và luôn trong tình trạng vỡ nợ như Hy Lạp. Anh sẽ tự quyết các vấn đề của riêng mình và trở nên hùng mạnh hơn.
Clip bàn thắng Anh 1-2 Iceland
2. Đó có vẻ như là những suy nghĩ quá ảo mộng, như chính não trạng của các CĐV Anh luôn cho rằng Premier League là giải đấu hấp dẫn và chất lượng nhất thế giới. Kỳ thực thì chẳng phải vậy. Giải đấu cao nhất của bóng đá Anh chỉ hay về mặt giải trí, còn chất lượng thì không thể hơn Bundesliga hay Liga.
Thế nên, 4 mùa giải gần đây chẳng có một CLB Anh nào xưng danh ở đấu trường Champions League hay Europa League. Về mặt này, chỉ La Liga mới xứng là kẻ thống trị khi năm 2016, Real và Sevilla thâu tóm cả hai danh hiệu danh giá nhất của bóng đá châu Âu.
Bóng đá Anh ngày bộc lộ sự yếu kém của mình khi rạng sáng nay ĐTQG của họ đã bị loại bởi Iceland, đội bóng bé nhỏ của đất nước 300.000 dân, tức chưa bằng một thành phố của Anh. Cay đắng hơn nếu biết rằng tổng số giá trị được tính bằng tiền của toàn bộ đội hình Iceland chưa bằng một cầu thủ ĐT Anh như Sterling hay Rooney.
Báo chí Anh, trong cơn đau đớn, chơi chữ EurOut để nói về thất bại cay nghiệt này.
Một nỗi nhục quá lớn của Tam sư, bởi trước khi giải đấu diễn ra họ được xem là một trong những ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch Euro 2016.
Nhưng giờ họ đã như chính những cử tri của mình tự ‘chọn’ Brexit khỏi Euro vì sự hão huyền, mơ tưởng, không biết mình đứng ở đâu trong thế giới bóng đá. CĐV của Anh sẽ buồn, buồn lắm nhưng ở Euro chẳng có trưng cầu dân ý lần hai nào cả. Thua là đi ngay và luôn.
Thế nên, việc HLV Roy Hodgson quyết định từ chức sau khi Anh bị loại chẳng khiến CĐV nào buồn bã, thậm chí họ còn vui mừng là khác. Nhưng tương lai của ĐT Anh vẫn vô định, bởi Premier League có khi còn kém hơn sau khi Anh hoàn tất thủ tục rời EU.
3. Brexit chắc chắn sẽ còn trở thành nỗi ám ảnh dài của người Anh. Còn cụm từ Mexit (Messi + Exit) thì lại đang ám ảnh các CĐV toàn thế giới sau khi trận chung kết Copa America 2016 kết thúc. Messi đã quyết định rời ĐTQG Argentina sau 10 năm cống hiến.
Một quyết định quá sốc, bởi M10 mới 29 tuổi, độ tuổi có thể xem là chín nhất trong đời cầu thủ. Thế nên, tranh cãi đã nổ ra giữa việc Messi nên tiếp tục ở lại ĐTQG hay ra đi, như trường hợp của đa số cử tri chọn Anh rời EU.
Messi ra đi chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ĐTQG Argentina khi mà vòng loại World Cup 2018 sắp lại. Sự thiếu vắng M10 có thể khiến Argentina lún sâu hơn vào khủng hoảng.
Xa hơn, khi không có sự phục vụ của cầu thủ từng giành 5 QBV FIFA, Albicelestes sẽ mất đi nhiều giá trị về mặt hình ảnh và thương hiệu, vì thế tiền từ hợp đồng quảng cáo, các khoản tài trợ sẽ giảm xuống, CĐV đến sân xem Argentina thi đấu cũng sẽ ít đi. Rõ ràng Liên đoàn bóng đá Argentina không thích điều này.
Nhưng Messi ra đi cũng có thể đưa lại cho ĐT Argentina một bước phát triển mới. Messi đã thua tới 4 trận chung kết, rõ ràng vận may đã không đồng hành với Argentina. Messi quá hiểu điều đó và vì thế anh quyết định ra đi để ĐTQG có thể vô địch trong tương lai. Bởi trong thế giới bóng đá đã từng có nhiều trường hợp đội tuyển không cần cầu thủ xuất sắc trong đội hình vẫn có thể vô địch.
Đó là Đan Mạch ở Euro 1992. Thời điểm đó Michael Laudrup rất xuất sắc, nhưng do mâu thuẫn với HLV nên anh bỏ đội tuyển ở lại quê nhà theo dõi Euro qua màn hình TV. Một quyết định sốc của cựu cầu thủ Real và Barca, nhưng ‘hợp lý’ vì sau đó Đan Mạch đánh bại ĐT Đức ở trận chung kết để lên ngôi vô địch.
Còn ai nữa? đó là Eric Cantona, David Ginola, những con người rất tài hoa nhưng nếu cứ có họ trong đội hình có khi… còn lâu Pháp mới vô địch thế giới 1998 và Euro 2000.
Theo thống kê của nhật báo thể thao nổi tiếng Argentina là tờ Ole, có tới 65% độc giả muốn Messi thay đổi quyết định.
Tuy nhiên, Messi rời ĐTQG cũng trở thành chủ đề chế giễu của nhiều người. Họ cho rằng M10 đã quá hèn, quá nhu nhược không biết cách vượt lên số phận như Novak Djokovic trong tennis.
Messi thua 4 trận chung kết, thì con số này của Nole ở Roland Garros là 3. Tay vợt người Serbia cũng ngẩn ngơ khóc rất nhiều như Messi nhưng năm 2016, Djokovic đã vô địch giải đấu này để thống lĩnh cả 4 giải Grand Slam danh giá, và hiện đang là tay vợt không có đối thủ. Nole đã vượt lên được vận đen của số phận thì tại sao Messi lại không?
Clip: Messi òa khóc nức nở sau thất bại cay đắng
Thế nên, các tờ báo thể thao nổi tiếng thế giới đang làm một cuộc thăm dò dư luận về việc Messi nên rời khỏi hay ở lại với ĐTQG Argentina. Theo thống kê của nhật báo thể thao nổi tiếng Argentina là tờ Ole, có tới 65% độc giả muốn Messi thay đổi quyết định.
Đây không phải là lần đầu tiên chuyện Messi rời ĐTQG bị đưa ra ‘trưng cầu dân ý’. Năm ngoái, sau khi Argentina thua Chile ở chung kết Copa America 2015, nhiều CĐV cũng đã đòi đuổi cổ M10 ra khỏi Albicelestes vì quá đen, nhưng Messi đã quyết ở lại để thay đổi số phận, còn lần này có lẽ là không.
Giống như nước Anh năm 1975 đã có cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU, đa số chọn ở lại nhưng hơn 40 năm sau tình thế đã đảo chiều. Bây giờ giả sử ở cuộc trưng cầu dân ý lần hai, người Anh chọn ở lại EU thì đúng là một trò hề không khác gì các cầu thủ Anh nghĩ mình sư tử hóa ra còn kém hơn cả chuột nhắt.
Lời đã thốt ra, hành động đã làm rồi, đừng như ong bướm đậu rồi lại bay!
>> Dự đoán Euro 2016 trúng thưởng lớn tại đây
Bình luận