Lời than thở đó xuất phát từ thực tế “phũ phàng” của bóng đá Việt mấy ngày qua khi người ta liên tục viết facebook, vẽ tranh biếm họa hay đưa lên báo công kích những ứng cử viên cho chức danh Chủ tịch VFF vừa mới “ló dạng”. Mới cách đây vài tháng, người cha già tới hơn 90 tuổi của ông Trần Anh Tú đã phải khóc khi con của mình bị bêu riếu trên mặt báo như mắc “tội” gì lớn lắm. Vậy “tội” của ông Tú là gì?
“Tội” của ông Tú là một năm tài trợ vài chục tỉ cho bóng đá. Âm thầm trong bao nhiêu năm thì không sao nhưng “chẳng may” ông Tú lại được một số câu lạc bộ tín nhiệm đề cử cho chức danh Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ VFF nhiệm kỳ tới, thế là ông Tú bị đánh tơi tả, trở thành nhân vật chính trên một vài tờ báo và diễn đàn mà nick ảo, nick thật thi nhau vào “ném đá”, vẽ tranh biếm họa. Một doanh nhân thành đạt, bản lĩnh trên thương trường như ông Tú mà đã có lúc phải nuốt nước mắt vào trong vì bóng đá cùng câu hỏi: “Tôi không hiểu đã làm gì sai mà bị “đánh” như thế?
Thực ra ông Tú chẳng làm gì sai cả. Người ta lôi lý do ông Tú đảm nhiệm quá nhiều chức vụ, từ CLB, Liên đoàn Bóng đá địa phương cho tới chức ở VPF rồi VFF. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ khi “bới móc” như thế người ta đã quên đi rằng, nếu có trở thành Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của VFF, thì cũng không có nghĩa ngày nào ông Tú cũng phải “mài đũng quần” đủ 8 tiếng vàng ngọc ở VFF như một nhân viên hành chính. Bởi bản thân chức danh Phó Chủ tịch đã cho phép ông Tú có thể làm việc part-time, vì nhiệm vụ của ông là hoạch định chiến lược để VFF phát triển về tài chính và dùng các mối quan hệ của mình để giúp VFF có được tài trợ. Còn những việc khác thì để nhân viên lo. VFF đã phân tầng trách nhiệm rõ ràng giữa đội ngũ những nhà quản lý từ Chủ tịch tới các Phó Chủ tịch và bộ phận điều hành bên dưới do cấp TTK đảm nhiệm.
Trước khi ông Tú bị đánh tơi tả, việc mời các doanh nhân thành đạt thậm chí là các chính khách làm Chủ tịch VFF đã khó, hàng loạt doanh nhân có tên tuổi như ông bầu Đỗ Quang Hiển, bầu Trần Đình Long... đều từ chối. Sau khi bầu Tú bị “đánh”, người ta lại càng chẳng muốn dính đến bóng đá. Vì thế có chuyện hậu trường rằng, khi một doanh nhân được mời vào vị trí Chủ tịch, vị này đã nói thẳng: “Thôi thì cứ bắt em đóng bao nhiêu tiền cho bóng đá cũng được, nhưng đừng bắt em làm Chủ tịch VFF”.
“Lịch sử” VFF cho thấy hễ ai đảm nhiệm chức danh Chủ tịch VFF thì dù là chính khách hay doanh nhân, dù đang thành đạt trong lĩnh vực của họ nhưng khi sang bóng đá, đều trở thành đối tượng bị công kích.
Từ tấm gương là nguyên Chủ tịch Mai Liêm Trực, khi ông là Thứ trưởng ở Bộ Bưu chính Viễn thông thì đầy quyền uy nhưng khi sang bóng đá, sau tuần trăng mật là những ngày “vỡ mật” đến mức ông phải thốt lên VFF thấp hơn mặt bằng xã hội. Và sự thực là dù cố gắng hết sức nhưng Thứ trưởng Trực sau đó cũng chỉ mong cho hết nhiệm kỳ! Chủ tịch đương nhiệm Lê Hùng Dũng cũng vậy, ông Dũng là một doanh nhân thành đạt nhưng khi chấp chính ở vị trí Chủ tịch VFF, ông lại mắc trọng bệnh. Điều đó không giúp ông được “tha” nên cũng trở thành nhân vật chính của khá nhiều bài báo chỉ trích...
Chính vì những lý do như vậy nên những người được mời đều thẳng thừng nói lời từ chối chức danh Chủ tịch VFF. Gần đây nhất, một doanh nhân có uy tín, yêu bóng đá khi được mời cũng ngay lập tức từ chối vì lý do “bận kinh doanh” nhưng sự thực là “nhìn thấy bầu Tú bị đánh mà sợ”! Ngay như Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn, với những người hiểu bóng đá, ông Tuấn là người làm được việc và có mối quan hệ tốt với quốc tế, nhưng ông Tuấn cũng bị đánh tơi tả khi có nhiều cơ hội trúng cử vị trí Chủ tịch. Có người còn đem cả băng rôn, khẩu hiệu đả kích ông Tuấn đến cổng hai cơ quan quản lý nhà nước về bóng đá là trụ sở Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch và Tổng cục TDTT. Trước khi đi, vị này cũng không “quên” nhắn tin cho một số phóng viên đến để đưa tin sự kiện!
Vậy không lẽ tất cả đứng nhìn để con tàu bóng đá chìm nghỉm trước búa rìu dư luận?
Vừa qua, tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, Thủ tướng rất quan tâm kiện toàn ban lãnh đạo VFF. Thành tích của đội U23 Việt Nam là minh chứng Việt Nam có thể làm được những điều khiến cả thế giới rung động. Vị trí Chủ tịch VFF vì thế phải tính toán rất kỹ.
Sau đó, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.2018, đề cập đến hàng loạt vấn đề nảy sinh thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ trăn trở về tình hình VFF và giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời, tổ chức lại một cách căn bản VFF, làm sao “tốt hơn để mang lại màu sắc cho bóng đá Việt Nam”.
Chỉ khi thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bóng đá Việt Nam mới hy vọng khởi sắc!
Bình luận