1. Hiện tượng đầu cơ vé xem bóng đá có phải câu chuyện mới mẻ? Không hề. Hình ảnh những phụ nữ trung niên cầm trong tay một xấp vé dày, đủ chủng loại, đủ khán đài đứng mời chào khách mua với những mệnh giá trên trời... đã rất quen thuộc trước mỗi trận đấu của ĐTQG hay đội U23.
Có khoảng thời gian, "cò vé" ế ẩm khi sức hút ĐTQG giảm nhiệt, đặc biệt sau hai lần liên tiếp thất bại ở bán kết AFF Cup. Dẫu vậy, thành công bất ngờ của U23/ Olympic Việt Nam một lần nữa mang khán giả trở lại sân bóng. "Cò vé" xuất hiện nhiều hơn, với nhiều hình thức chào mời hơn. Trong những trận đấu "cháy vé" như cuộc so tài giữa Việt Nam và Malaysia tối nay, ai cũng có thể trở thành "cò vé", dễ dàng thu lời khi sở hữu tấm vé trong tay.
"Cò vé" chen nhau chào mời người hâm mộ
Kiếm tiền chưa bao giờ đơn giản đến thế, khiến nhiều người đặt câu hỏi: trong dòng người xếp hàng mua vé trước cổng sân Mỹ Đình ít ngày trước, bao nhiêu người đến vì đam mê, bao nhiêu người đến vì... tiền?
2. Vấn nạn "cò vé" nhức nhối như một ung nhọt. Nó xuất hiện khi cơ chế bán vé của VFF cùng BTC vẫn mang nặng tính xin - cho và không minh bạch ở các kênh phân phối. Sân Mỹ Đình có sức chứa xấp xỉ 40.000 chỗ ngồi, song chỉ 9.000 vé được bán trực tiếp cho người hâm mộ. Số vé bán online còn ít hơn nhiều, với 4.000 vé. 11.000 vé được bán theo hình thức công văn. Phần còn lại (khoảng 16.000 vé) chưa biết được sử dụng như thế nào.
Một nghịch lý rõ ràng sau cơn sốt vé ở sân Mỹ Đình, là bạn hầu như không tìm thấy tấm vé nào với mệnh giá thật của nó, nhưng lại rất dễ kiếm được những tấm vé với mức giá phi lý. Khoảng 6 triệu đồng cho một cặp vé khán A hay một triệu rưỡi cho cặp vé khán D là "sàn giá" phổ biến nhất.
Không kể vé từ những "cò" vẫn đang ngày đêm chờ khách ở trước cổng sân, "vé chợ đen" vẫn được rao bán nhan nhản trên mạng xã hội khi chủ nhân của nó bất ngờ... bị ốm, bận việc hoặc không có nhu cầu xem bóng đá.
Chuyện một cầu thủ bị đòi tới... 200 vé cho bạn bè, người thân (liệu ai có từng ấy người quen để mời đến sân xem bóng đá), hay cơ quan X, Y không rõ từ đâu cũng gửi công văn lấy vé cho thấy việc lợi dụng mối quan hệ, quyền lực hay lỗ hổng khổng lồ trong cơ chế phân phối vé của VFF, qua đó sở hữu vé hòng đầu cơ đã trở thành công thức quen thuộc mỗi mùa bóng đá.
Dĩ nhiên, điều này tạo ra sự bất công. Một nền bóng đá một mặt dung dưỡng "cò vé", một mặt khiến khán giả phải chen lấn đến... bầm dập để có vé vào xem bóng đá, xin được nhắc lại, đó không bao giờ là nền bóng đá văn minh.
3. Dù vậy, cần khẳng định, khối ung nhọt mang tên "cò vé" được sản sinh từ cách thức phân phối vé lạc hậu, thiếu minh bạch, nhưng nó được nuôi sống bởi chính khán giả - những người chấp nhận bỏ tiền ra mua "vé chợ đen".
Như một quy luật tất yếu: có cầu thì mới có cung. Bao năm qua, "cò vé" vẫn sống, bởi vẫn có một bộ phận người hâm mộ chấp nhận thỏa hiệp với "cò" để có vé vào sân. Nếu cổ động viên dứt khoát nói không với "vé chợ đen", phản đối những tấm vé với mức giá phi lý, qua đó không làm giàu cho những kẻ cơ hội, "cò vé" sẽ không có cơ sở để tồn tại, thậm chí phải... lụn bại vì "ôm" vé mà không tìm được đầu ra. Bóng đá muốn văn minh, trước hết phải đến từ những tấm vé tử tế.
Còn khi tiếp tục mua vé từ những "bà cô" hay tin vào những lời mời chào trên mạng, cổ động viên đang vô tình tạo điều kiện để "cò vé" vẫn có đất diễn.
Cách làm ấy thực tiễn và đúng đắn hơn nhiều so với việc dùng pháo sáng hăm dọa VFF hay BTC sân. Làm như vậy, chỉ có ĐTQG chịu thiệt, nền bóng đá bị tổn hại danh tiếng, dẫn đến việc ít được tổ chức các giải đấu hơn. Tư duy "không ăn được thì đạp đổ" không bao giờ dẫn đường chỉ lối đến những giải pháp tối ưu.
Bình luận