1. Tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018
Tròn 10 năm sau chức vô địch của thế hệ Công Vinh, Minh Phương... cùng HLV Henrique Calisto, đội tuyển Việt Nam một lần nữa vào chung kết AFF Cup. Lần này, không cần tới khoảnh khắc vỡ òa phút cuối của trận chung kết lượt về, đội tuyển Việt Nam thể hiện đúng sức mạnh của ứng viên vô địch từ đầu tới cuối.
Thầy trò HLV Park Hang Seo nâng cúp một cách xứng đáng trên sân nhà, khiến các đối thủ tâm phục khẩu phục. Đội tuyển Việt Nam không thua trận nào tại AFF Cup 2018 và không lọt lưới bàn nào từ vòng bảng. Chiến thắng ở đấu trường Đông Nam Á là cột mốc khép lại năm 2018 đại thành công của bóng đá Việt Nam cùng vị HLV trưởng người Hàn Quốc.
2. U23 Việt Nam giành ngôi á quân U23 châu Á
Niềm vui của bóng đá Việt Nam trong năm 2018 bắt đầu ngay từ tháng 1 với kỳ tích tại VCK U23 châu Á. U23 Việt Nam không nhận được nhiều kỳ vọng khi bước vào giải châu lục ở một bảng đấu có U23 Hàn Quốc, U23 Australia và U23 Syria, đều là những đối thủ rất mạnh. Dù vậy, HLV Park Hang Seo và các học trò đã gây ra hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, lần lượt vượt qua những đối thủ sừng sỏ để tiến đến trận chung kết và giành ngôi á quân.
Có rất nhiều ấn tượng trong hành trình của U23 Việt Nam. Hai trận thắng luân lưu liên tiếp, siêu phẩm đá phạt được đặt tên là "cầu vồng trong mưa tuyết" của Quang Hải, Duy Mạnh cắm cờ Tổ quốc trên tuyết trắng sân Thường Châu... đều là những hình ảnh khó quên đối với người hâm mộ Việt Nam.
3. Olympic Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vào bán kết ASIAD
Theo kế hoạch ban đầu của VFF và HLV Park Hang Seo, ASIAD 18 không phải là giải đấu trọng điểm nhưng đội tuyển Olympic Việt Nam vẫn nhận được nhiều kỳ vọng sau thành công đầu năm ở VCK U23 châu Á. Đáp lại, thầy trò HLV Park Hang Seo tiếp tục gây ấn tượng khi lọt vào tới vòng bán kết.
Đây là thành tích tốt nhất trong lịch sử của bóng đá Việt Nam ở đấu trường ASIAD. Tuy nhiên các cổ động viên cũng có chút tiếc nuối khi Olympic Việt Nam không giành được tấm huy chương khi thất bại trong loạt luân lưu trước Olympic UAE.
4. Đoàn thể thao Việt Nam thành công ở ASIAD 18
Thành tích của Olympic Việt Nam là một phần đóng góp vào thành công chung của Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 18. Đây là kỳ ASIAD mà một số VĐV chủ lực không đạt thành tích như kỳ vọng, nhưng đoàn Việt Nam vẫn hoàn thành chỉ tiêu giành 4 HCV với những chiến thắng ở các môn rowing, điền kinh và pencak silat.
Trong đó, chiếc huy chương vàng nhảy xa của Bùi Thị Thu Thảo có ý nghĩa lớn nhất. Đây là lần đầu tiên Việt Nam HCV ở một môn thể thao cơ bản của Olympic.
5. CLB Hà Nội "vô đối" V-League bằng dàn sao U23
V-League 2018 là mùa giải mà cuộc đua vô địch tẻ nhạt nhất khi CLB Hà Nội thể hiện sức mạnh vượt trội và không có đối thủ. Đội bóng Thủ đô chỉ thua cả 2 trận trong cả mùa giải và một mình một ngựa thẳng tiến đến chiếc cúp ngay sau lượt đi.
Đoàn quân của HLV Chu Đình Nghiêm xô đổ nhiều kỷ lục khi đăng quang. Họ là đội vô địch V-League sớm nhất (chính thức lên ngôi trước 5 vòng đấu), thắng nhiều trận nhất, giành nhiều điểm nhất, ghi nhiều bàn thắng nhất, hiệu số bàn thắng-bàn thua lớn nhất và có chuỗi trận bất bại dài nhất.
Nhưng ấn tượng lớn nhất của CLB Hà Nội trong mùa giải 2018 là việc họ giành cúp bằng đội hình rất trẻ với nhiều tuyển thủ quốc gia và U23 Việt Nam. Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu đều là các trụ cột của đội bóng Thủ đô, riêng Quang Hải giành danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V-League và Quả Bóng Vàng Việt Nam 2018.
6. Đại hội VFF bầu Chủ tịch mới
Điểm tối trong năm 2018 đại thành công của bóng đá Việt Nam nằm ở thượng tầng VFF. Đại hội LĐBĐ Việt Nam khóa VIII liên tục bị trì hoãn sau những rắc rối trong công tác chuẩn bị nhân sự. Cả 4 ứng viên Chủ tịch đều chưa thật sự đáp ứng được sự mong đợi của dư luận và cũng lần lượt xin rút vì những lý do khác nhau. Vị trí đứng đầu VFF chỉ có ứng viên uy tín khi Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL đồng ý và được cấp trên cho phép tham gia tranh cử.
Phải đến tháng 12, ngay trước trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018, Đại hội VFF khóa VIII mới được tổ chức.
7. Cơn sốt bóng đá của người hâm mộ Việt Nam
Những lùm xùm ở thượng tầng VFF không ảnh hưởng tới cơn sốt bóng đá của người hâm mộ Việt Nam kéo dài suốt cả năm 2018. Màn ăn mừng "nhuộm đỏ" đường phố ở các thành phố lớn sau những chiến thắng của thầy trò HLV Park Hang Seo gây ấn tượng mạnh. Sự cuồng nhiệt của người Việt Nam đối với bóng đá một lần nữa được quảng bá ra quốc tế.
Việc tình cảm của người hâm mộ được hâm nóng cũng tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên bóng đá Việt Nam. Rõ rệt nhất là "hiệu ứng U23 Việt Nam" đã đưa khán giả trở lại với sân cỏ V-League sau những mùa giải ảm đạm gần đây.
Tuy nhiên ở một mặt khác, cơn sốt bóng đá cũng tạo ra những hiệu ứng tiêu cực. Trào lưu "đi bão" mừng chiến thắng có lúc trở nên quá đà. Bên cạnh đó là những hình ảnh không đẹp mắt về cơn sốt vé ở AFF Cup 2018.
8. Việt Nam đăng cai đua xe Công thức 1 - F1
Trong một năm bóng đá chiếm ưu thế với tầm ảnh hưởng quá lớn, một môn thể thao chưa xuất hiện ở Việt Nam cũng tạo ra một chút dấu ấn đặc biệt. Đó là việc giải đua xe lớn nhất thế giới - F1 được đưa về Việt Nam.
Từ năm 2020, mùa giải F1 sẽ có thêm chặng Vietnam Grand Prix. Đường đua có độ dài 5,565 km/vòng đua với điểm xuất phát là trường đua được xây mới đặt ngay cạnh sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Có tổng cộng 22 khúc cua, trong đó có những đoạn được "sao chép" đặc điểm từ những đường đua nổi tiếng thế giới như Nurburgring (Đức), Sepang (Malaysia), Suzuka (Nhật Bản) hay Monaco.
Bình luận