PGS-TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, Viện vừa chế tạo loại thiết bị cấp khí sạch, làm mát để trang bị cho những người phải mang bộ bảo hộ đặc biệt, trong môi trường khắc nghiệt.
Thiết bị này có quạt đeo cá nhân, giúp đưa không khí bên ngoài vào trong bộ bảo hộ. Không khí này đã được lọc sạch qua hệ thống màng đặc biệt và cân bằng nhiệt độ, đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm.
“Dự kiến chiều nay 1/6, chúng tôi sẽ cho thử nghiệm thiết bị này cho nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại tâm dịch Bắc Giang”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng thông tin thêm, hiện Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường mới chỉ sản xuất thử nghiệm thiết bị trên theo số lượng nhỏ. Do là viện nghiên cứu nên không có kinh phí sản xuất. Vì vậy, Viện cũng mong muốn có đơn vị hợp tác, tài trợ cho sản xuất, hoặc tiếp nhận chuyển giao để có thể sản xuất số lượng đủ lớn, tăng cường cho vùng dịch.
"Hiện tại Viện mới chỉ có một số lượng nhỏ sản xuất thử nghiệm. Chúng tôi là Viện nghiên cứu nên không có kinh phí sản xuất và mong muốn có đơn vị hợp tác, tài trợ cho sản xuất, hoặc tiếp nhận chuyển giao để có thể sản xuất số lương đủ lớn, tăng cường cho vùng dịch", ông Hải chia sẻ.
Trang phục bảo hộ là việc làm bắt buộc khi tham gia chống dịch vì nó giúp nhân viên y tế tránh sự lây nhiễm. Trang phục này được may liền bằng chất liệu chống thấm nước, thêm khẩu trang, mũ, găng, ủng, làm tăng nhiệt độ bên trong, khiến cơ thể ra mồ hôi nhiều, ngột ngạt, khó thở. Thời tiết khắc nghiệt như hiện nay tại miền Bắc, những nhân viên y tế phải mặc cả ngày bộ đồ bảo hộ trên người sẽ rất khó chịu, gây bất tiện cho việc đi vệ sinh, ăn uống và khiến họ nhanh xuống sức.
Nhiều nhân viên bị ngất
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, những ngày qua tại miền Bắc, nhiều nhân viên y tế bị ngất do phải làm việc nhiều giờ trong bộ đồ bảo hộ kín dưới thời tiết nắng nóng tới 40 độ C.
Quan điểm của Bộ Y tế là đặt tiêu chí an toàn của người lấy mẫu lên hàng đầu. Do đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các đoàn công tác phải đảm bảo sức khoẻ cho các nhân viên y tế, y bác sĩ tham gia chống dịch tại các địa phương.
Các nhân viên y tế, học sinh, sinh viên trực tiếp tham gia lấy mẫu phải được đảm bảo bồi dưỡng về mặt dinh dưỡng đủ nước uống, nâng cao sức khỏe khi chống dịch.
Ngoài ra, ngành y tế cũng thống nhất điều chỉnh thời gian lấy mẫu tại cộng đồng, với hai ca là từ sáng sớm đến 9h và chiều từ 19h-23h. Khi lấy mẫu phải chọn các điểm ở vùng mát, thông khí, quạt mát. Nếu lấy mẫu vào ban đêm, trời tối, những khu vực này cần phải bố trí đủ ánh sáng.
Trước nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết phải mặc bộ đồ bảo hộ cho các nhân viên y tế vì “không cần thiết”, ông Sơn khẳng định Bộ Y tế sẽ nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, việc bỏ bộ đồ bảo hộ sẽ làm mất đi vũ khí bảo vệ cho nhân viên y tế khi tham gia lấy mẫu xét nghiệm.
Một số đề xuất khác cũng đưa ra là nên thay bộ đồ thoáng khí hơn, dùng quạt thông gió, bán mặt nạ. Tuy nhiên theo các chuyên gia cho rằng, phương pháp này không khả thi vì có thể làm tăng ô nhiễm khuếch tán, giá thành cao mà không mang lại nhiều hiệu quả.
Theo Bộ Y tế, giải pháp tốt nhất hiện nay là sử dụng quạt đeo, giúp không khí đối lưu khi mặc bộ đồ, làm giảm nóng bức khó chịu. Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đã nghiên cứu, chế tạo xong và chờ nhà sản xuất. Ngoài ra, Bộ Y tế đang xem xét giải pháp cấp khí sạch làm mát tạm thời cho nhóm 4 người.
Bình luận