• Zalo

Bộ Y tế lên tiếng sự thật về vắc xin và trào lưu anti vắc xin

Sức khỏeThứ Ba, 11/07/2017 17:41:00 +07:00Google News

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, y tế thế giới coi vắc xin là một trong những thành tựu quan trọng nhất của thế kỷ 20.

Gần đây, phong trào anti vắc xin đang nở rộ và có xu hướng tăng cao. Nhiều bà mẹ "rỉ tai" nhau không nên cho con tiêm vắc xin vì lo rằng nó có thể gây ra những biến chứng sau này cho trẻ. Tuy nhiên, đây là một quan điểm hết sức sai lầm đến từ sự thiếu hiểu biết của nhiều người về vắc xin.

Theo nhiều chuyên gia hàng đầu về vắc xin tại Việt Nam, trào lưu này đã xuất hiện trên thế giới từ rất lâu chứ không phải vừa mới đây. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trào lưu anti vắc xin chỉ có thể xuất hiện và dâng cao khi tình hình dịch bệnh đang ở mức thấp.

Đơn giản vì nhìn lại cách đây khoảng 20 năm, khi dịch bệnh còn nhiều với các bệnh như sởi, ho gà, bạch hầu, sốt bại liệt thì chẳng ai dám nghĩ về chuyện anti vắc xin. Nhưng đến nay, khi chương trình tiêm chủng mở rộng, bao phủ khá rộng, các dịch bệnh này bị kiềm chế và đẩy lùi thì phong trào anti vắc xin lại nở rộ. 

tiemvacxin1RYII

 Vắc xin được coi là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của thế giới ở thế kỉ 20. (Ảnh minh họa)

Trước vấn đề trên, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho rằng: “Anti vắc xin là một trào lưu nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Theo bác sĩ Khanh, những người theo trào lưu này thường lùng sục các thông tin nghi ngờ về đặc tính của vắc xin, những tác dụng không mong muốn của vắc xin để tung thông tin nhằm tạo hiệu ứng theo ý của họ.

Điều đó có thể kéo theo những thành phần khác, nhất là những phụ huynh đang bị dao động khi có con tiêm vắc xin bị sốt nhiều, đau nhiều.

Một số người không chủng ngừa nhưng vẫn “sống khỏe” có thể là do may mắn hoặc cộng đồng quanh họ đã được chích ngừa nên dịch bệnh không lưu hành nhưng nếu họ đến vùng có dịch thì khó tránh được nguy cơ nhiễm bệnh”.

Ông cũng cho biết: “Phải trực tiếp chứng kiến một đứa trẻ oằn người ho gà, một đứa trẻ nằm bất động, sống thực vật vì viêm não Nhật Bản, một đứa trẻ tử vong vì bị bạch hầu dẫn đến viêm cơ tim, một đứa trẻ không cử động được vì sốt bại liệt… thì mới hiểu, vắc xin có tác dụng như thế nào”.

bac si truong huu khanh 3

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM.

Bộ Y tế lên tiếng

Theo Cục Y tế dự phòng, nhờ sử dụng vắc xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết. Trước khi sử dụng vắc xin, bệnh đậu mùa đã gây tử vong khoảng 2 triệu người mỗi năm, tuy nhiên sau một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu bệnh đã được thanh toán vào năm 1979.

Tiêm chủng cũng gây tác động lớn đối với sức khỏe toàn cầu với các thành tựu như: 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh Uốn ván sơ sinh, số ca mắc bại liệt giảm từ trên 300.000 trường hợp/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 2.000 trường hợp năm 2002, số trường hợp tử vong do Sởi giảm từ 6 triệu trường hợp/năm xuống còn dưới 1 triệu trường hợp/năm, số mắc Ho gà giảm từ 3 triệu trường hợp/năm xuống chỉ còn dưới 250.000 trường hợp.

Nhờ thành tựu của tiêm chủng, hàng triệu trẻ em đã thoát được các bệnh truyền nhiễm

Tại Việt Nam, thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể, Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

Kết quả giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ mắc hầu hết là các bệnh có vắc xin phòng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều giảm qua các năm. So sánh năm 1985 (năm bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc) với năm 2010, tỷ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần.

Tiêm chủng giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho y tế

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, việc thanh toán bệnh Bại liệt đã giúp Chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí vắc xin, điều trị và phục hồi chức năng. Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp.

Một nghiên cứu đã ước tính là 100 triệu USD đầu tư cho việc thanh toán bệnh tật trong vòng 10 năm sau 1967 đã tiết kiệm được cho thế giới khoảng 1,35 tỷ USD/năm. Theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ, cứ chi 1 USD cho vắc xin MMR thì tiết kiệm được 21 USD.

Không duy trì tỷ lệ tiêm chủng, dịch bệnh sẽ bùng phát và tất cả cộng đồng sẽ gánh chịu hậu quả.

Video: Hỗn loạn kinh hoàng tại điểm tiêm vắc xin ở Hà Nội: Cục trưởng Y tế 'lệnh' tạm dừng tiêm

Cục Y tế dự phòng nêu rõ, cũng phải thấy rằng nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn, cụ thể: nguy cơ vi rút bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành bại liệt vào Việt Nam là rất lớn, uốn ván vẫn là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh có vắc xin phòng được triển khai trong tiêm chủng mử rộng và uốn ván sơ sinh vẫn là bệnh có tỷ lệ chết/mắc cao nhất (53-82%).

Do vậy việc tiêm chủng phòng bệnh là hết sức quan trọng trong việc duy trì các thành quả mà Việt Nam đã đạt được, không để nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại một cộng đồng nhỏ sẽ trở thành một sự kiện y tế công cộng của Việt Nam.

Điều đáng nói là nếu như không duy trì tỷ lệ tiêm chủng, chắc chắn dịch bệnh sẽ bùng phát và tất cả cộng đồng sẽ gánh chịu hậu quả. Chính vì vậy, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch là tiêm chủng bắt buộc. Cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ cho từng cá thể và cho cộng đồng.

Quỳnh Chi (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn