Thời gian qua, tại nhiều địa phương có một số người mắc bệnh whitmore và trong thời gian gần đây đang có xu hướng gia tăng các ca mắc bệnh whitmore ở Hà Nội, Nghệ An, Thái Nguyên... Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân - khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, bệnh Whitmore hay còn gọi "vi khuẩn ăn thịt người" không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, nhưng rất dễ dẫn đến chết người.
Ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao tĩnh mạch kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2-4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.
Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể thiệt mạng dù đã được chẩn đoán đúng.
Tại Hà Tĩnh mới đây cũng phát hiện trường hợp bệnh nhân Đặng Xuân Hà (61 tuổi) ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên bị mắc bệnh Whitmore.
Trước tình hình đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra những khuyến cáo để người dân chủ động phòng, chống bệnh này.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện chưa có vaccine phòng bệnh whitmore, do đó người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.
Bình luận