• Zalo

Bộ Y tế: Gia hạn vaccine Pfizer thêm 3 tháng không ảnh hưởng tới chất lượng

VaccineThứ Ba, 30/11/2021 18:46:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ khẳng định, việc tăng thời hạn vaccine Pfizer thêm 3 tháng được áp dụng trên toàn cầu và việc này không ảnh hưởng tới chất lượng vaccine.

Ngày 30/11, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, việc gia hạn sử dụng gần 2.960.100 triệu liều vaccine Pfizer thêm 3 tháng là theo hướng dẫn chung của nhà sản xuất, được áp dụng trên toàn cầu. Bà Hồng cũng khẳng định, việc gia hạn này không ảnh hưởng đến chất lượng của số vaccine trên.

Bộ Y tế: Gia hạn vaccine Pfizer thêm 3 tháng không ảnh hưởng tới chất lượng - 1

Việt Nam đang sử dụng vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em.

Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng khẳng định, trước đó vaccine Pfizer có thời hạn 6 tháng, nhưng đó là vì nhà sản xuất chưa có đủ dữ liệu nghiên cứu cũng như chưa đủ thời gian. Về sau này, khi đã được nghiên cứu đủ, phía Pfizer đã kiểm chứng và kết luật rằng hạn sử dụng vaccine Pfizer có thể tới 9 tháng mà vẫn đảm bảo chất lượng trong điều kiện từ - 90 độ C đến - 60 độ C. Hơn nữa, kết quả này cũng đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Hoa Kỳ và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) khẳng định và phê duyệt.

Trước đó, trả lời thắc mắc của nhiều phụ huynh khi trẻ tiêm vaccine COVID-19 (loại Pfizer) có hạn sử dụng ghi trên lọ chỉ tới ngày 30/11, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, số vaccine trên vừa được gia hạn thêm 3 tháng theo đề nghị của nhà sản xuất.

Cụ thể, ngày 25/11, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ban hành Quyết định số 1595/QĐ-VSDTƯ về việc phân bổ vaccine COVID-19 đợt 94. Tại quyết định này, viện cấp 2.960.100 liều vaccine Pfizer gồm 2 lô 124001 và 123002 được mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh thành phố để triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Theo thông tin tại giấy chứng nhận xuất xưởng vaccine, sinh phẩm, 2 lô này có hạn sử dụng tới ngày 30/11/2021.

Bộ Y tế: Gia hạn vaccine Pfizer thêm 3 tháng không ảnh hưởng tới chất lượng - 2

Vaccine Pfizer.

Tuy nhiên, đại diện viện cho biết, căn cứ vào văn bản 12926/QLD-KD ngày 22/10/2021 của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) về việc tăng hạn dùng của vaccine Comirnaty (Pizer) nhập khẩu về Việt Nam, áp dụng hạn dùng mới 9 tháng với các là vaccine hạn dùng 6 tháng in trên nhãn (tăng 3 tháng hạn dùng so với hạn dùng in trên nhãn, thời gian áp dụng từ ngày 22/10/2021) và văn bản số PFZ/1824-2111/REG ngày 29/11/2021 của Công ty TNHH Pfizer Việt Nam khẳng định hạn dùng của 2 lô vaccine 124001 và 123002 là ngày 28/2/2022.

Chính vì vậy, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố thông báo tới các đơn vị, điểm tiêm chủng áp dụng hạn mới của vaccine Pfizer nói trên với là 28/2/2022. Đồng thời, các đơn vị cũng cần chỉ đạo các bộ phận y tế tư vấn kỹ cho đối tượng tiêm chủng và cha mẹ trẻ đầy đủ thông tin để tránh hiểu sai về hạn dùng của vaccine nêu trên.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành phố chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tiếp nhận và tổ chức tiêm ngay số vaccine được phân bố cho đối tượng trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên địa bản. Các đơn vị cũng phải đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả, đúng mục đích, đối trong, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, không để hủy bỏ vaccine do hết hạn sử dụng.

Bộ Y tế: Gia hạn vaccine Pfizer thêm 3 tháng không ảnh hưởng tới chất lượng - 3

Hà Nội tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Trước đó, trong văn bản gửi Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) ngày 22/10/2021 về việc tăng hạn dùng của vaccine Comirnaty, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đồng ý về việc tăng hạn sử dụng vaccine Comirnaty từ 6 tháng lên 9 tháng ở điều kiện nhiệt độ bảo quản từ - 90 độ C đến - 60 độ C.

Theo Cục Quản lý Dược, công ty Pfizer (Việt Nam) phải chịu trách nhiệm về chất lượng với vaccine đang lưu hành trên thị trường và có trách nhiệm thông báo sự thay đối này đến các đơn vị có liên quan.

Phạm Quý
Bình luận