• Zalo

Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ lây lan dịch khi mua kit test nhanh COVID-19 trên mạng

Tin tứcThứ Sáu, 23/07/2021 11:18:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ Y tế đề nghị cơ quan chức năng cùng vào cuộc kiểm tra, cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng khi bộ kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc trên mạng.

Mạng xã hội những ngày qua xuất hiện nhiều lời rao bán bộ kit test COVID-19 được quảng cáo là xuất xứ Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản… Giá của mỗi bộ kit test này không hề rẻ, từ 300.000 đến 800.000 đồng tuỳ loại. Người dùng bộ kit test này có thể cho kết quả sau 15 phút.

Mới đây, qua kiểm tra tại Hà Nội và TP. HCM, lực lượng chức năng phát hiện lượng lớn kit test nhập lậu vào Việt Nam không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ lây lan dịch khi mua kit test nhanh COVID-19 trên mạng - 1

 Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội thu giữ số lượng lớn bộ kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc.

Theo GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, các test xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép theo các quy định.

Các sản phẩm này thuộc nhóm nguy cơ rủi ro cao (loại C, D) nên mọi hoạt động mua bán, kinh doanh test xét nghiệm SARS-CoV-2 phải đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế về nhân sự, điều kiện kho bảo quản, phương tiện vận chuyển.

“Người dân cần cảnh giác, không tự ý mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường, đặc biệt mạng xã hội, bởi những sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành khi xét nghiệm có thể cho kết quả không chính xác. Như vậy, không những mất tiền oan mà nếu tin tưởng vào những kết quả này còn tiềm ẩn nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh cho cộng đồng”, ông Thuấn khuyến cáo.

Chung quan điểm, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, các xét nghiệm nhanh COVID-19 là loại sinh phẩm liên quan đến sức khỏe nên phải do Bộ Y tế thẩm định, cho phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. Người dân không nên mua và tự thực hiện xét nghiệm nhanh bởi có một số loại trôi nổi, không đảm bảo chất lượng chính xác.

Ông Phu cũng cho rằng, các xét nghiệm nhanh giá trị sử dụng chính xác với các trường hợp có triệu chứng nghi mắc COVID-19 như ho, sốt... sau nhiễm từ 2-7 ngày. Còn trường hợp nhiễm sau 7 ngày (nồng độ virus ít đi), độ chính xác của xét nghiệm nhanh không cao, khó phát hiện ra người dương tính với SARS-CoV-2.

Bộ Y tế từng có công văn gửi các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó việc thanh tra, kiểm tra về nhập khẩu, cung ứng, mua bán các trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm SARS-CoV-2.

Để quản lý chặt chẽ, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để kiểm tra, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn