Ngoài ra, đại biểu Nhưỡng cũng đề cập đến thực trạng nhiều giường bệnh phải kê ở ngoài hành lang, bác sỹ thì luôn phải lo lắng vì đội ngủ bảo vệ ít, không còn tâm trí khám chữa bệnh.
Là một người trong ngành, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đã chỉ ra rất nhiều bất cập, tồn tại do cách hiểu sự việc theo các hướng khác nhau.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, hiểu một cách đơn giản, ngành y tế đầu vào gồm thuốc, vật tư, thiết bị để phục vụ cho việc khám chữa bệnh. Đầu ra chính là kết quả khám chữa bệnh, thước đo rõ ràng nhất chính là sự hài lòng của người bệnh. Và ở giữa chính là cán bộ, nhân viên y tế.
Muốn hệ thống này vận hành trơn tru, không gây lãng phí, trục lợi bảo hiểm y tế, chúng ta chỉ tác động đến đầu vào và khâu giữa, còn đầu ra là sự hài lòng của người bệnh tưởng khó nhưng không hẳn vậy. Đầu vào dễ là vì chúng ta chỉ việc áp dụng đấu thầu tập trung, áp giá thuốc và vật tư y tế bằng hoặc thấp hơn các nước GDP tương tự Việt Nam trong khu vực.
Theo đại biểu, cái khó là việc này sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận đang có quyền quyết định hình thành mức giá rất “made in Việt Nam” này. Chỉ cần cải tổ đầu vào, bảo hiểm xã hội sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn bởi hiện nay đa số tiền của quỹ bảo hiểm chi trả cho thuốc và vật tư y tế. Đồng thời, cần xem xét lại quy trình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc bệnh nhân có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, tránh bất cập, làm mất công sức người bệnh, lãng phí quỹ bảo hiểm y tế.
Ví dụ những bệnh nhân cao huyết áp, đái tháo đường chúng ta không nên quy định khám mỗi tháng một lần. Vì như vậy thì rất nhiều xét nghiệm thường quy cần kiểm tra 6 tháng, thậm chí 1 năm, nếu thực hiện 1 tháng 1 lần sẽ gây tốn kém cho bệnh nhân và quỹ bảo hiểm y tế, quá tải bệnh viện. Hay như bệnh nhân đang dùng thuốc mà mỗi tháng phải thay thuốc với lý do rất lãng xẹt “thuốc bảo hiểm y tế đợt này chỉ thầu có vậy” rất dễ gây bức xúc cho dư luận.
Video: Những phát ngôn ấn tượng của đại biểu về thực phẩm bẩn
Cũng theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, khâu giữa là khó nhất vì liên quan trực tiếp đến người tạo ra sản phẩm đầu ra. Để cải thiện khâu này, cần tiến hành đồng thời 2 hướng, thứ nhất là nâng cao chất lượng nhân viên y tế, tạo điều kiện cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn, bảo đảm thu nhập cho nhân viên y tế. Nếu cứ vừa làm vừa lo thiếu phương tiện, thuốc men, lo chậm trả lương, lo người nhà bệnh nhân có thể hành hung… như hiện nay thì không “từ mẫu” nào có thể yên tâm làm việc được.
Song song với đó, cần nâng cao kiến thức, tái đào tạo nhân viên toàn bộ hệ thống. Chỉ như vậy mới hạn chế được những chỉ định, những phương pháp điều trị lãng phí, lạc hậu, gây nguy hiểm cho người bệnh. Cần có chế độ kiểm tra, giám sát minh bạch nhân viên y tế.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng nhấn mạnh, cần có những hội đồng y khoa độc lập hoàn toàn với bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội để xem xét những tranh cãi về cách thức tiến hành chỉ định phương pháp điều trị là đúng hay sai.
Bình luận