Theo ông Long, trước tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, muốn cuộc sống trở lại bình thường thì phải có vaccine. Do đó, Bộ Y tế xác định việc có được vaccine COVID-19 là nhiệm vụ rất quan trọng.
Bộ Y tế đang thoả thuận với một số đơn vị trong đó có AstraZeneca và Pfizer. AstraZeneca đã đồng ý trong 6 tháng đầu năm 2020 sẽ chuyển về Việt Nam khoảng 30 triệu liều và có thể tăng thêm trong tương lai.
Ngoài các công ty trên, Bộ Y tế cũng thoả thuận với các đơn vị ở một số nước nhưng họ đưa ra phương thức mua rất chặt chẽ. "Họ có thoả thuận khung, thoả thuận này áp dụng cho toàn cầu. Nhưng thoả thuận này nếu áp dụng với Việt Nam sẽ rất khó khăn. Như Pfizer là yêu cầu ký trực tiếp với Bộ Y tế và phải có kinh phí ngay. Hay các hãng khác cũng đều yêu cầu ký trực tiếp với Bộ Y tế và chuyển tiền trước 20% kèm bảo mật thông tin. Do đó, Bộ Y tế vừa ký một thoả thuận ghi nhớ để tạo điều kiện cho các công ty này", ông Long nói.
Để sớm tiếp cận được vaccine COVID-19, Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng phê duyệt một số phương án mua vaccine. Ngoài ra, Bộ cũng mong Thủ tướng phê duyệt cho Bộ ký hợp đồng với Pfizer.
Với vaccine trong nước, ông Long cho biết, vaccine của Nanogen vừa thử nghiệm lâm sàng xong giai đoạn 1, kết quả khá tốt. Vaccine của Ivac cũng sẽ thử nghiệm sau Tết, đánh giá lâm sàng khá tốt. Còn đối với vaccine của Vabiotech tới 1/3 sẽ thử nghiệm.
"Do đó, nhanh nhất cũng phải quý I năm 2022 mới có vaccine của Việt Nam", ông Long nhấn mạnh. Tại cuộc họp, Bộ Y tế cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng vaccine miễn phí cho một số đối tượng, nhóm tuổi tại Việt Nam.
Bình luận