Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại Hội nghị giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện do Bộ Y tế tổ chức sáng 18/5.
Nhà vệ sinh bệnh viện bẩn tức là giám đốc bệnh viện ở bẩn
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Nhiều khi, tôi đi kiểm tra các bệnh viện, vào các nhà vệ sinh của nhân viên, tôi cũng không thấy có xà phòng rửa tay. Chỗ rửa tay của nhân viên còn thế thì nói gì đến nhà vệ sinh của người bệnh/người nhà bệnh nhân.
Do đó, từ nay đi kiểm tra bệnh viện, nếu Trưởng khoa và Giám đốc Bệnh viện để nhà vệ sinh bẩn, không có xà phòng rửa tay... thì khi chấm điểm kết luận là lãnh đạo bệnh viện “ở bẩn” và quy trách nhiệm rõ. Không thể để tình trạng nhà vệ sinh của cán bộ y tế, người bệnh như hiện nay”.
Theo công bố mới đây của Bộ Y tế, nhà vệ sinh bệnh viện là khu vực mà người bệnh phiền lòng và thường xuyên không hài lòng. Theo đánh giá, vẫn còn đến 18% bệnh viện chỉ đạt mức 1, 2, không đạt yêu cầu. Nhà vệ sinh bệnh viện thường bẩn, nền nhà ướt, không có xà bông rửa tay... Theo thống kê, chỉ khoảng 2% đạt được như khách sạn 5 sao, 4 sao.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị sắp tới khi chấm điểm đánh bệnh viện cần chấm điểm cao tiêu chí về nhà vệ sinh bệnh viện và thời gian chờ khám bệnh. Bệnh viện không thể đạt được điểm chất lượng cao, nếu để nhà vệ sinh bẩn, thời gian chờ đợi quá lâu.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cũng đồng ý coi tiêu chí nhà vệ sinh bệnh viện là tiêu chí đặc biệt quan trọng (coi như điểm liệt). Nếu nhà vệ sinh ở mức 1,2 thì chất lượng xếp loại kém. Đồng thời, chú trọng cung cấp trang thiết bị nhà vệ sinh như giấy vệ sinh, nước, xà phòng…
Ông Nguyễn Huy Nga, chuyên gia về y tế dự phòng, cho biết, nhà vệ sinh trong bệnh viện không đảm bảo sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, góp phần làm lây lan bệnh tật (các nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện, người nhà bệnh nhân, các bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện có thể bị các bệnh lây nhiễm truyền qua đường phân, đặc biệt các dịch đường ruột như tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng); hạ thấp phẩm giá của người sử dụng dịch vụ y tế khi vào bệnh viện, do phải tiếp xúc với mùi hôi hám, đặc biệt là đối với người già, trẻ em và người khuyết tật.
Phải giảm thời gian chờ khám bệnh cho bệnh nhân
Một thông tin quan trọng khác cũng được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tại Hội nghị giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện đó là quy trình khám bệnh, thời gian chờ đợi của bệnh nhân quá lâu.
Theo Bộ trưởng Tiến, hiện nay, tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh thời gian chờ khám của người dân đã giảm đi rất nhiều, tuy nhiên tại các bệnh viện tuyến trung ương thời gian vẫn rất lâu.
Bệnh nhân đi khám nhịn ăn sáng, xếp hàng lấy số từ 5-6h thì phải 8-9h mới được khám. Trường hợp đơn giản nhất chỉ chờ kết quả xét nghiệm sinh hóa, nhưng nhiều người phải làm thêm chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng… thì có thể kéo đến chiều. Số lượng bệnh nhân quá đông, dù bệnh viện mở ra nhiều bàn khám vẫn không đủ. Vì thế, Bộ trưởng đề nghị các bệnh viện thời gian tới phấn đấu giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.
“Bệnh nhân đi khám sáng đều nhịn ăn, nay đợi kết quả xét nghiệm, chờ siêu âm… phải chờ 11-12h cũng đói lả, mệt mỏi. Có bệnh nhân phải chống gậy, chống nạng vẫn phải chờ lấy thuốc. Bệnh viện phải có giải pháp quyết liệt, không thể để bệnh nhân chờ khám cả buổi, bằng mọi giải pháp quyết liệt để bệnh nhân không phải đợi quá lâu.
Chúng ta cứ kêu ca khó khăn khi thực hiện cải tiến thời gian khám chữa bệnh nhưng phải quyết tâm phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trước để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng giờ khám, bàn khám, khám sớm và có thể tính đến giải pháp khám sau 5h chiều và hẹn khám theo giờ”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, thời gian khám bệnh chung của cả 3 tuyến , khám lâm sàng trung bình là 66,5 phút (giảm 53,5 phút so với quy định. Tuy nhiên thời gian chờ của bệnh nhân vẫn rất dài lên tới 45,4 phút.
Khám lâm sàng có làm theo hai kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là 200 phút, giảm so với quy định 40 phút, tuy nhiên thời gian chờ là 92,6 phút. Trung bình giảm thời gian khám bệnh trên một lượt khám so với trước khi có cải tiến là 48,5 phút.
Hiện tại quy trình khám bệnh cơ bản gồm 4- 8 bước tùy theo tính chất của bệnh và yêu cầu của bác sĩ đối với các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán giảm hơn so với trước đây 10 – 15 bước.
Video: Bộ Y tế truy tận gốc các vụ buôn bán thuốc giả
Quy trình khám chữa bệnh đã cắt giảm một số thủ tục hành chính như bệnh viện phải phô tô giấy tờ cần thiết thay vì yêu cầu người bệnh làm; người bệnh không phải chờ tự lấy kết quả xét nghiệm (trừ kết quả chẩn đoán hình ảnh); giảm 2/5 chữ ký trong phiếu thanh toán viện phí khi ra viện...
Thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp của Đề án, trong đó một nội dung được Bộ Y tế triển khai mạnh mẽ đó là giảm quá tải khu vực ngoại trú bằng việc cải tiến Quy trình khám bệnh với một số nội dung chính như sau:
1) Thống nhất quy trình khám bệnh tại tất cả các bệnh viện đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh khám chữa bệnh theo yêu cầu: quy trình cơ bản gồm 4 đến 8 bước tùy theo tính chất của bệnh và yêu cầu của bác sĩ đối với các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán, giảm hơn so với trước đây là từ 10 – 15 bước.
2) Cắt giảm một số thủ tục hành chính như:
- Bệnh viện phải phô tô giấy tờ cần thiết thay vì yêu cầu người bệnh phải tự phô tô
- Sau khi làm xét nghiệm, người bệnh không phải chờ để tự lấy kết quả xét nghiệm (trừ kết quả chẩn đoán hình ảnh)
- Cắt giảm 2/5 chữ ký trong phiếu thanh toán viện phí khi ra viện
3) Yêu cầu bệnh viện tăng số bàn khám để giảm số lượng khám trên mỗi bàn khám và giúp bác sĩ có thể tăng thời gian khám, tư vấn cho người bệnh.
Sau 05 năm thực hiện Quyết định 1313/QĐ-BYT hướng dẫn quy trình khám bệnh tại bệnh viện, các cơ sở y tế đã tích cực triển khai nhiều hoạt động cải thiện môi trường khoa phòng, khu vực khám bệnh của bệnh viện; cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian chờ khám bệnh; môi trường vệ sinh chung của bệnh viện cũng được cải tiến, bệnh viện được xây dựng, cải tạo khang trang, thuận tiện, tiện nghi hơn, sạch đẹp hơn.
Bình luận