• Zalo

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Quy hoạch đất đai sẽ gắn với quy hoạch giao thông

Chính trịThứ Hai, 14/11/2022 18:15:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sắp tới khẳng định quy hoạch đất đai sẽ gắn với quy hoạch giao thông.

Báo cáo giải trình trước Quốc hội chiều 14/11, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tại kỳ họp này có 228 ý kiến góp ý tại tổ, 45 đại biểu phát biểu, tranh luận ở nghị trường với 35 nhóm vấn đề, nội dung liên quan dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). 

Về quy hoạch, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường khẳng định quy hoạch đất đai sẽ gắn với quy hoạch giao thông. Ông Hà nhấn mạnh việc tập trung quản lý đất đai theo không gian, quản lý về chỉ tiêu phân bổ đất đai để làm sao sử dụng một cách hiệu quả, khai thác bền vững.

Liên quan nội dung quy hoạch, nhiều đại biểu đề nghị thống nhất chỉ tiêu trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp. "Dự thảo luật quy định quy hoạch sử dụng đất quốc gia là quy hoạch tổng thể, vĩ mô.  Do vậy, chỉ xác định một số chỉ tiêu sử dụng đất có tính chất tổng hợp, quan trọng để đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường..." Bộ trưởng Hà nhấn mạnh trong báo cáo gửi Quốc hội.

Về vấn đề tài chính và giá đất, theo Bộ trưởng Hà, tài chính đất đai cùng với quy hoạch là công cụ mà Nhà nước thực hiện quyền quản lý Nhà nước và quyền đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Trong đó, việc phân bổ lại nguồn lực đất đai, phát huy giá trị đất đai và đưa nguồn lực này để vào phát triển cho kinh tế - xã hội và giải quyết hài hòa các mối quan hệ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Quy hoạch đất đai sẽ gắn với quy hoạch giao thông - 1

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu chiều 14/11.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất, cần dùng phương pháp toán học, thống kê tính toán, cùng với nhiều phương pháp khác để xác định vùng đất chuẩn, thửa đất chuẩn, số lượng thửa đất... thì mới có thể xác định được giá đất. Điều này sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay.

Đồng thời, từ giá đất này ta sẽ thực hiện rất nhiều công việc để đảm bảo trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất, cũng như tính được giá đất cụ thể. Cùng với đó, cơ quan chức năng công khai được giá đất cụ thể và người dân có quyền tiếp cận.

Cũng liên quan đến vấn đề giá đất, trong báo cáo gửi Quốc hội ngày 13/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu, một số đại biểu đề nghị quy định dự thẩo Luật đất đai (sửa đổi) cần ban hành bảng giá đất định kỳ 5, 3 hoặc 2 năm/lần, quy định điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên.

Tuy nhiên, Nghị quyết 18 đã xác định: “Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Do vậy, dự thảo Luật quy định bảng giá đất cần phải được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá đất thị trường, gây thất thu ngân sách nhà nước và khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất, Bộ trưởng cho biết thêm.

Về đấu thầu, đấu giá đất, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nêu 2 hình thức. "Quan trọng nhất ở đây là làm sao thực hiện được hài hòa lợi ích của người dân và lợi ích của Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm sao xác định được điều kiện, tiêu chí. Do vậy, sắp tới sẽ nghiên cứu và mong các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, khoa học tiếp tục tham gia góp ý lượng hóa, cụ thể", Bộ trưởng Hà nói.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, đất đai là vấn đề Nhân dân và nhiều cử tri phản ánh, than phiền, khiếu kiện nhiều nhất. Ở Việt Nam, hầu hết tỷ phủ giàu lên rất nhanh là nhờ đất hoặc liên quan đến đất. Nhiều vụ tham ô lớn đều liên quan đến đất, qua đó đã nói lên sự cấp thiết phải sửa đổi Luật này. 

Đại biểu cho rằng, “đất quý hơn vàng” bởi đất không chỉ quý ở giá trị nội tại mà còn quý ở cả giá trị tài sản trên đất, cây cối, vật nuôi trên đất. Giá trị đó còn được gia tăng theo quy hoạch, qua làm đường xá, qua đô thị hóa, qua tổ chức dịch vụ trên đất… Dân số càng đông, đất càng tăng về giá trị. Kinh tế càng phát triển, đất càng lên giá.

Đại biểu Trí đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện và phương pháp xác định giá quyền sử dụng đất để bỏ khung giá quyền sử dụng đất nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tiện lợi và hiệu quả.

Đồng thời, ông Trí cho rằng cần quy định rõ chức năng, vai trò và nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, ông cũng đề nghị sửa đổi Luật Đất đai lần này làm sao để đưa vùng đất đang bị bỏ rơi, bị hoang hóa, không quy hoạch, không được sử dụng thì được đưa vào sử dụng hiệu quả và hữu ích.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn