Bộ trưởng Thăng thêm một lần 'nói cứng' với dự án sân bay Long Thành

Thời sựThứ Tư, 25/03/2015 05:22:00 +07:00

Bộ GTVT đã chính thức làm việc với Ban Kinh tế trung ương về dự án sân bay Long Thành về sự cần thiết đầu tư.

Ngày 24/3, Bộ GTVT đã chính thức làm việc với Ban Kinh tế trung ương về dự án sân bay Long Thành về sự cần thiết đầu tư.

Tại buổi làm việc, hai bên đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến sự cần thiết đầu tư dự án sân bay Long Thành cũng như tính chính xác của số liệu chuyến bay đi đến sân bay Tân Sơn Nhất, suất đầu tư dự án, khả năng trở thành cảng trung chuyển quốc tế, vấn đề giải tỏa đền bù.

Theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, dự sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, nằm trong quy hoạch và đã được công bố quy hoạch. Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến một lần.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý, giải trình làm rõ hơn các số liệu về dự án, từ đó xây dựng được một dự án chất lượng, khả thi. Tuyệt đối không giải trình kiểu đối phó”.

Dự án sân bay Long Thành  

Theo báo cáo giải trình bổ sung mới nhất về dự án sân bay Long Thành của Bộ GTVT, sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án sân bay có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới, cũng như trong khu vực, tổng dự toán của dự án Long Thành là 15,8 tỉ đô la Mỹ, trong đó giai đoạn 1 là 5,2 tỉ đô la Mỹ.

Thế nhưng, trước đó, ngày 21/3, tại hội thảo khoa học “Xây mới sân bay Long Thành hay nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất” do Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON) tổ chức, các chuyên gia vẫn cho rằng, với thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay, việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành tiềm ẩn nhiều rủi ro và không khả thi bằng giải pháp nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa.

Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Chủ tịch Chi hội hàng không thuộc Hội tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý HASCON không đồng tình trước lo ngại, Tân Sơn Nhất sẽ bị quá tải, vượt năng suất thiết kế 25 triệu khách một năm vào 2020.

Ông dẫn chứng, hiện nay đường băng cất hạ cánh của Tân Sơn Nhất chưa khai thác hết năng suất.

Bởi lẽ, trong khi sân bay Nội Bài có 2 đường băng cất hạ cánh song song với chiều dài 3.200 và 3.800m, cách nhau chỉ 250m thì Tân Sơn Nhất có 2 đường băng với chiều dài 3.050m và 3.800m, cách nhau 365m, đảm bảo cho cả máy bay lớn như B747-400 và A340-600 cất hạ cánh an toàn.

So sánh với thế giới, như sân bay quốc tế Mumbai ở Ấn Độ, có 2 đường băng cất hạ cánh dài 2.990m và 3.660m ngắn hơn Tân Sơn Nhất, nhưng năm 2013 họ có 260.000 chuyến bay và năng suất 32 triệu khách.

Còn Tân Sơn Nhất 2013 chỉ đạt 140.000 chuyến bay, bằng 54% sân bay Mumbai.

Như vậy, căn cứ vào khả năng đường băng thì năng suất Tân Sơn Nhất có thể tăng lên bằng cách tăng số chuyến từ 1,9 đến 3,4 lần so với hiện nay và sẽ không xảy ra quá tải.

Mặt khác, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội đồng tư vấn HASCON cho rằng: “Hiện nay, Long Thành gần bờ biển Đông Nam Á, nó chỉ nằm trên tuyến hàng không quốc tế bay đến Indonesia, Philippines và Australia nên chỉ có thể làm trung chuyển cho 3 nước. Dẫu vậy, xét gần hơn Long Thành chỉ làm trung chuyển cho duy nhất Australia vì 2 quốc gia trên quá gần với sân bay này”.

Ngoài ra, theo ông, xét về khía cạnh kinh tế, TP HCM là trung tâm kinh tế cả nước với sân bay Tân Sơn Nhất có nhiều lợi thế hơn Long Thành.

Nhấn mạnh nhiều hơn về những tính toán hiệu quả kinh tế, TS Nguyễn Đăng Liêm cho rằng, nếu muốn xây Long Thành hiệu quả và không ảnh hưởng đến vấn đề nợ công thì tốt nhất nên giao cho nhà đầu tư tư nhân xây dựng, thay vì Nhà nước "ôm" khoản lỗ còn tư nhân lại được chọn đầu tư những phần dễ sinh lời.

Trong một diễn biến liên quan mới đây, sau gần một tháng kể từ ngày Bộ GTVT chính thức lên tiếng đề nghị bán sân bay Phú Quốc vì Long Thành tại cuộc họp về xã hội hoá đầu tư hạ tầng hàng không, thì mới đây nhất, Bộ trưởng Thăng lại tiếp tục kiến nghị Thủ tướng việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không Phú Quốc theo hình thức hợp đồng Kinh doanh - Quản lý.

Theo đó, hợp đồng này được kinh doanh dựa trên hình thức một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời gian nhất định.

Lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương thí điểm nhượng quyền quản lý, khai thác sân bay Phú Quốc cho các nhà đầu tư trong nước, giá trị nhượng quyền sẽ được dùng để tạo nguồn kinh phí đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nguồn: Thái Linh(Đất Việt)
Bình luận
vtcnews.vn