(VTC News) - Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cho rằng, mỗi cán bộ ngành đường sắt phải thấy đau xót khi nghe tin có người chết vì tai nạn giao thông đường sắt hằng ngày.
Liên tiếp xảy ra tai nạn đường sắt
Trong thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đường sắt, gây thiệt hại lớn về người và vật chất. Đặc biệt, các vụ tai nạn còn khiến giao thông đường sắt đình trệ trong nhiều giờ.
Mới đây nhất, vào ngày 1/6, đoàn tàu YB2 từ Yên Bái đang trên hành trình về Hà Nội, khi tới đường ngang dân sinh thuộc huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đã đâm vào xe tải khi xe này cố vượt qua đường ngang.
Đầu tàu bị văng xuống ruộng, 2 toa bị trật bánh khỏi đường ray, lái phụ bị thương nhẹ. Riêng ôtô tải lao xuống ruộng ngô và lật nghiêng, tài xế tử vong trên đường đi cấp cứu. Vụ tai nạn khiến tuyến đường bị tê liệt nhiều giờ đồng hồ.
Vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng ở Quảng Trị khiến lái tàu tử vong hồi tháng 3 |
Trước đó vào 10/3, một vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng tại địa phận tỉnh Quảng Trị khiến lái tàu tử vong, mắc kẹt nhiều giờ trong cabin. Cụ thể, tàu SE5 chạy hướng Bắc - Nam khi đến địa bàn Quảng Trị đã đâm vào ôtô tải băng qua đường ngang dân sinh. Cú tông mạnh làm 2 toa khách và một toa phục vụ văng khỏi đường ray, hư hỏng nặng. Đầu máy xe lửa đứt lìa, tiếp tục chạy thêm một km mới dừng lại.
Ngành đường sắt đã phải huy động hàng trăm người cùng máy móc triển khai cứu hộ trong nhiều giờ mới có thể thông tuyến.
Đầu tháng 3/2015, tàu chở hàng chạy hướng Lạng Sơn - Hà Nội, khi đến đoạn thị trấn Vôi và xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã đâm phải xe tải chở đá đỗ ngang đường. Vụ va chạm khiến đầu máy xe lửa chệch khỏi đường ray, 4 toa chở đá kế tiếp lật nghiêng. Chiếc xe tải bị húc đổ xuống vệ đường và nằm quay ngang, hư hỏng nặng phần đầu, tài xế bị thương.
Ngày 15/5, xe ben mang biển số Bình Thuận khi chạy đến đoạn giao nhau với đường sắt thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã tông thẳng vào hông tàu lửa SPT2 chạy tuyến Sài Gòn - Phan Thiết.
Cú tông mạnh làm đầu xe ben bẹp dúm, văng ngược trở lại, rơi xuống bờ mương bên đường. Hàng trăm hành khách trên tàu hoảng loạn, la hét thất thanh. Tài xế xe ben được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và tử vong sau đó. Giao thông đường sắt đoạn qua cung đường Sông Phan - Suối Vận bị phong tỏa.
Sáng 16/5, tài xế trung tuổi lái xe băng qua đường ray trên địa phận Phú Xá (TP Thái Nguyên) đúng lúc tàu hỏa chở khách số hiệu đầu máy D9E-233 Hà Nội - Quan Triều (Thái Nguyên) chạy tới nên xảy ra va chạm.
Sau cú đâm mạnh, xe tải nằm quay ngang, phần đầu bẹp dúm, cửa phía lái dính vào tàu hỏa, tài xế bị thương mắc kẹt trong cabin. Đầu tàu hỏa hư hỏng nặng, nghiêng sang một bên, lái tàu bị thương nhẹ.
Chiều 17/5, tàu SE 22 do lái tàu Đặng Quang Hiển (30 tuổi) điều khiển đi hướng Nam - Bắc. Khi tới địa phận thuộc xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, tàu tông vào xe tải băng ngang đường.
Cú va chạm mạnh khiến lái tàu gãy hai chân, kẹt cứng trong buồng lái. Lực lượng cứu hộ phải mất nhiều giờ mới đưa được nạn nhân ra ngoài. Trong khi đó, chiếc xe tải bật ra chừng 10 mét, tài xế nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Bộ trưởng Thăng chỉ đạo khẩn
Tại các cuộc họp với các cơ quan đơn vị liên quan về an toàn giao thông đường sắt vào sáng 2/6, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị này tập trung xây dựng lộ trình hành lang đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; Lựa chọn, trình tự, cái nào ít vốn đầu tư mà hiệu quả ngay làm trước.
Bộ trưởng nhìn nhận, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương và các cơ quan chức năng nhưng tai nạn giao thông đường sắt trong 5 tháng đầu năm nay vẫn tăng cả 3 tiêu chí. Đặc biệt có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra.
Đấu máy đoàn tàu trật bánh văng xuống ruộng sau cú va chạm với xe tải ngày 1/6 |
"Qua đó có thể thấy, những giải pháp chúng ta đưa ra chưa thực sự hiệu quả. Thực tế những năm trước tai nạn giao thông đường sắt đều giảm", Bộ trưởng Thăng trăn trở.
Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cho rằng, mỗi cán bộ ngành đường sắt phải thấy đau xót khi nghe tin có người chết vì tai nạn giao thông đường sắt hằng ngày.
Từ thực tế nêu trên, Bộ trưởng Thăng yêu cầu ngành đường sắt nghiêm túc, đánh giá nguyên nhân vì sao; kiểm điểm lại các giải pháp đã thực hiện.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh mục tiêu từ nay đến cuối năm phải kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt. Phấn đấu đến cuối năm giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Bộ trưởng đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Video: Sập giàn giáo dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị đề cao nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương, trong đó tập trung vào các địa phương thường xuyên xảy ra tai nạn. Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào bảo đảm ATGT đường sắt.
Ngoài ra, ông Thăng cũng yêu cầu cơ quan chức năng rà soát lại tốc độ chạy tàu, xác định rõ trách nhiệm của người gây ra tai nạn.
Bộ trưởng cũng yêu cầu phải nâng cao năng lực của trung tâm cứu hộ, có phương án cụ thể tại từng điểm, phải diễn tập cứu hộ, cứu nạn đường sắt.
M.Chiến
Bình luận