• Zalo

Bộ trưởng Tài chính: 'Nghị định 126 rất cần thiết'

Tài chínhThứ Bảy, 26/12/2020 14:25:17 +07:00Google News

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong bối cảnh phát triển của công nghệ và thương mại điện tử, Nghị định 126 ra đời để có cơ sở quản lý thuế.

Tại cuộc họp báo ngành tài chính diễn ra ngày 25/12 vừa qua, ngoài việc thông tin về tình hình thực hiện ngân sách năm 2020, các chỉ số tài chính quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng chia sẻ về những điều chỉnh mới trong hoạt động quản lý thuế theo Nghị định 126 hướng dẫn một số điều trong Luật Quản lý thuế.

Cụ thể, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết những năm gần đây, cùng với các chính sách tài khóa mới, các giải pháp quản lý thuế của Việt Nam đã góp phần mở rộng cơ sở thu, tăng nguồn thu từ thuế… Tuy nhiên, việc phát triển mạnh của công nghệ và sự xuất hiện của thương mại điện tử khiến ngành thuế phải đưa ra những thay đổi trong cách quản lý để đảm bảo nguồn thu đúng, đủ.

Trong quá trình xây dựng, quản lý, một số chính sách nhận được nhiều góp ý từ các chuyên gia, doanh nghiệp. Tuy vậy, Bộ trưởng Tài chính khẳng định cơ quan quản lý thuế và tài khóa luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến đóng góp và sẽ có báo cáo với Chính phủ để điều chỉnh nếu cần thiết.

Lấy ví dụ về Nghị định 126 hướng dẫn Luật Quản lý thuế mới ban hành, Bộ trưởng cho biết nghị định được ban hành đã nhận được nhiều phản hồi từ chuyên gia và các doanh nghiệp.

Một số chính sách nhận được nhiều góp ý như thay đổi cách kê khai thuế Giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ hai bánh; khấu trừ tại nguồn thuế Thu nhập cá nhân với cổ tức trả bằng cổ phiếu; quy định doanh nghiệp phải tạm nộp tối thiểu 75% thuế Thu nhập doanh nghiệp quyết toán năm đến cuối quý III; hay ngân hàng cung cấp thông tin cho ngành thuế...

Bộ trưởng Tài chính: 'Nghị định 126 rất cần thiết' - 1

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định quy định quản lý thuế mới theo Nghị định 126 là cần thiết và đảm bảo đúng thông lệ quốc tế, trong nước. (Ảnh: Thắng Nguyễn)

Theo Bộ trưởng, hiện nay, Việt Nam đã có cơ chế quản lý thuế theo hướng doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý chỉ đứng vai trò thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, việc thu thuế đủ là rất khó, nhất là với mô hình thương mại điện tử mới. Vì vậy, Nghị định 126 hướng dẫn một số điều trong Luật Quản lý thuế mới cần thiết phải có các điều chỉnh.

Nghị định 126 mới ban hành cũng gặp nhiều phản ứng về quy định ngân hàng cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài chính khẳng định, quy định này không yêu cầu ngân hàng cung cấp toàn bộ thông tin khách hàng mà chỉ khi ngành thuế có yêu cầu, theo đối tượng, vụ việc cụ thể.

“Các ngành kinh tế kỹ thuật mà còn không quản lý được kỹ thuật thì làm sao chúng tôi thu được thuế. Vì vậy, điểm then chốt của các chính sách thuế mới chính là tăng cường phối hợp giữa các ngành trong việc quản lý, thu thuế, thay vì từng ngành tự quản lý riêng rẽ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, không chỉ tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thuế và ngân hàng, mà việc các ngân hàng phải khấu trừ thuế tại nguồn đối với các giao dịch thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài cũng rất cần thiết trong việc quản lý nguồn thu.

“Từng bước, chúng ta sẽ siết chặt việc quản lý thuế, từng bước đảm bảo nguồn thu đúng, đủ. Đảm bảo câu chuyện có hoạt động kinh doanh là phải có nghĩa vụ thuế. Còn nghĩa vụ đó đến mức nào, giảm, hoãn ra sao là câu chuyện khác”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh các quy định mới trong Nghị định 126 đều đảm bảo đúng thông lệ quốc tế và quy định tại Việt Nam. Tuy nhiên, với những chính sách nhận được nhiều đóng góp, góp ý, Bộ Tài chính sẽ xem xét và có đánh giá phù hợp. Trường hợp quy định không phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế, doanh nghiệp, Bộ sẽ đề xuất sửa đổi.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn