Hôm 12/12, The Phnom Penh Post dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết: "Campuchia vẫn còn vũ khí do Mỹ sản xuất, được đưa vào Campuchia dưới thời chính quyền Lon Nol. Nếu tính cả số bom đạn Mỹ từng oanh tạc chúng tôi, số lượng chắc phải cả hàng triệu tấn".
"Rất nhiều vũ khí Mỹ nằm trong các kho chứa trên khắp đất nước sau khi chính quyền Lon Nol bị lật đổ. Nhưng phần lớn số vũ khí này đều đã quá cũ và không thể sử dụng được", ông Tea Banh cho biết thêm.
Bộ trưởng Tea Banh nhấn mạnh, dưới thời chính quyền hiện tại, Campuchia chưa từng đặt mua vũ khí từ Mỹ. Washington viện trợ một số trang thiết bị như xe quân sự song số lượng có thể hoạt động không còn nhiều.
Mỹ vừa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ Campuchia, hạn chế việc bán vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ cho Campuchia. Động thái của Mỹ được đưa ra trước những quan ngại về "nhân quyền và tham nhũng" cũng như hoạt động của Trung Quốc ở nước này.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) cho biết, Mỹ không phải là quốc gia cung cấp vũ khí chính cho Campuchia, bởi hầu hết số kho vũ khí của quân đội Campuchia đều được mua hoặc được viện trợ từ Trung Quốc.
Hôm 10/12, Thủ tướng Hun Sen cũng đã ra chỉ thị nóng, yêu cầu quân đội Campuchia kiểm kê ngay các vũ khí và trang thiết bị quân sự hiện có, phá hủy hoặc niêm cất tất cả các loại vũ khí do Mỹ sản xuất, tùy theo từng trường hợp.
Cũng theo Thủ tướng Hun Sen, lệnh cấm vận của Mỹ là thông điệp cảnh báo đến thế hệ lãnh đạo chính phủ tiếp theo của Campuchia rằng nếu họ muốn có nền quốc phòng độc lập, hãy ngừng sử dụng vũ khí Mỹ. Rất nhiều bên dùng vũ khí của Mỹ đều đã thua trong các cuộc chiến.
Bình luận