“Đại bàng” Mỹ có niềm tin mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam
Chiều 21/3/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tiếp Đoàn doanh nghiệp cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), đang có chuyến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
“Chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam và luôn mong muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam”, ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc USABC bắt đầu cuộc làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng như vậy.
Đã nhiều năm nay, hàng năm, đều có đoàn các doanh nghiệp thuộc USABC tới Việt Nam, nhưng có lẽ, chưa bao giờ quy mô đoàn lại lớn như năm nay. Có tới 50 doanh nghiệp, bao gồm rất nhiều tên tuổi lớn, như Boeing, Coca-Cola, CitiBank, Meta, SpaceX, Netflix, Abbott, AES…, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, bán dẫn, tài chính, y tế, dược phẩm, năng lượng… đã tới Việt Nam trong dịp này.
Điều này đã một lần nữa khẳng định mối quan tâm của các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ tới thị trường Việt Nam, đúng như khẳng định của ông Ted Osius.
Chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện các “đại bàng” Mỹ như Meta, SpaceX, VISA, AES, Boeing… đều bày tỏ mong muốn được thiết lập hoặc mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Trong đó, đáng chú ý có SpaceX, công ty của tỷ phú Elon Musk. Hiện công ty này đang tìm kiếm cơ hội để phát triển thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Boeing cũng đang muốn tăng cường hoạt động tại Việt Nam, khi đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội…
“Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi, với hơn 6,5 triệu gói hàng được vận chuyển hàng ngày, 172 điểm đến và đi từ Việt Nam… Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang muốn mở rộng mạng lưới, bổ sung các chuyến bay đi và đến từ Việt Nam. Đồng thời, muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, đặc biệt là sân bay Long Thành”, Giám đốc điều hành FedEx Việt Nam - Campuchia đã nói như vậy.
Trong khi đó, đại diện quỹ đầu tư lớn nhất thế giới - KRR, hiện quản lý danh mục đầu tư lên tới 500 tỷ USD, và đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các công ty ở Việt Nam, như Vingroup, Masan, Kios Việt…, cho biết sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt “vươn ra thế giới”.
Mỹ phải là nhà đầu tư số 1
Đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Đoàn doanh nghiệp Mỹ, vừa với số lượng rất lớn và trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả các lĩnh vực mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam luôn muốn thu hút đầu tư từ Mỹ.
Nhắc tới câu chuyện từ 30 năm trước, các doanh nghiệp Mỹ đã nói sẽ là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, nhưng cho đến nay vẫn đang ở vị trí 11, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Mỹ phải là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam”.
Nhưng không chỉ là đầu tư, mong muốn của Bộ trưởng là các nhà đầu tư Mỹ khi vào Việt Nam sẽ không chỉ như con ong đi “hút mật”, mà còn “thụ phấn”, đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam và đóng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Bộ trưởng cho biết, cùng với ba đột phá chiến lược là thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam giờ đây xác định khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và văn hóa, con người Việt Nam chính là những yếu tố quan trọng để nền kinh tế Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong một số lĩnh vực.
Nhắc đến các mục tiêu to lớn của đất nước vào các dấu mốc 2030 và 2045, cũng như mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư Mỹ sẽ đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh, còn Việt Nam đang khuyến khích đầu tư.
Chẳng hạn, năng lượng xanh, bao gồm cả năng lượng của tương lai là hydro xanh, kinh tế số, y tế, chip bán dẫn…
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là Boeing đầu tư để biến Việt Nam trở thành một trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng của ngành hàng không thế giới. “Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị quỹ đầu tư KRR quan tâm hơn đến việc đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, chứ không chỉ là doanh nghiệp tư nhân, bởi hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Hoặc có thể, theo Bộ trưởng, KRR có thể đầu tư thông qua kênh M&A, vừa M&A các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng…; vừa tạo điều kiện và kết nối để doanh nghiệp Việt M&A công ty Mỹ. Đó cũng là cách để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Tiếp đoàn doanh nghiệp Mỹ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã đề nghị các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đầu tư, hoặc hỗ trợ Việt Nam phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế, dự kiến thành lập tại TP.HCM.
“Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Đặc biệt là không trùng múi giờ với 21 trung tâm tài chính, quốc tế khác. Điều này đảm bảo dòng tiền quốc tế có thể vận hành 24/7”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Một lĩnh vực quan trọng khác cũng được Bộ trưởng nhắc tới, đó là hợp tác phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC). Hiện tại, trong lĩnh vực này, Tập đoàn Meta đã trở thành đối tác chiến lược của NIC trong hỗ trợ chuyển đổi số. Hơn 20.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã được Meta hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số.
Tuy nhiên, kỳ vọng của Bộ trưởng là các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, chip, y tế…, sẽ hợp tác, đầu tư vào NIC. Bởi NIC, theo Bộ trưởng, sẽ được phát triển trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.
“Tất cả các kế hoạch của quý vị đều trùng với mong muốn của chúng tôi. Đây đều là các lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư. Vấn đề là chúng ta có tìm được cách thức để hợp tác hay không”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và một lần nữa nhấn mạnh rằng, dù thế giới đang có nhiều biến động bất thường, nhưng Việt Nam vẫn luôn kiên định con đường cải cách và đổi mới, mạnh mẽ tiến lên theo cách thức phù hợp hơn, thịnh vượng về kinh tế, đảm bảo về môi trường, công bằng về xã hội, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.
Trên hành trình ấy, Bộ trưởng kỳ vọng có sự đồng hành của các doanh nghiệp Mỹ.
Bình luận