Về vấn đề BOT gây bức xúc thời gian qua, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể: "Một số cử tri là doanh nghiệp cho biết, tại một số địa phương, chỉ 1, 2 doanh nghiệp hoặc công ty con của các doanh nghiệp đó được chỉ định thầu hoặc đấu thầu nhưng có hiện tượng dàn xếp mà họ không thể cạnh tranh được. Hiện tượng này kéo dài nhiều năm, tổng cộng giá trị lên đến nhiều chục ngàn tỷ đồng, nhiều dự án đội vốn, có khi đến 36 lần. Xin Bộ trưởng cho biết có hiện tượng này hay không.
Ngoài ra việc xét duyệt dự toán, quyết toán BOT, định giá công trình bằng bất động sản trong dự án BT ở một số dự án, cử tri nghi vấn có thất thoát. Xin Chính phủ cho biết phương án giải quyết?"
Trả lời 2 câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định không có dự án BOT nào không đấu thầu và công khai. Bộ công khai trên trang web 1 tháng theo đúng quy định. Trong 1 tháng đó, các nhà đầu tư quan tâm sẽ nghiên cứu hồ sơ để đấu thầu.
Thực tế cho thấy, với dự án có 2 nhà đầu tư trở lên thì sẽ đấu thầu. Nhưng nhiều dự án BOT, các nhà đầu tư chưa quan tâm. Bởi có 1 nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ nên không thể đấu thầu.
Có nhiều dự án phải kéo dài thời gian nhưng không có thêm nhà đầu tư. Quy định cho phép được chỉ định thầu khi có 1 nhà đầu tư. Việc này đã được Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư kiểm tra.
"Luật đấu thầu của chúng ta rất chặt chẽ. Nếu phát hiện thông thầu, vi phạm luật sẽ xử lý. Tôi thừa nhận một số dự án được chỉ định thầu, tiến độ kéo dài gây lãng phí là có. Các nhà thầu tham gia nhiều dự án, trúng nhiều dự án ở các địa phương dẫn đến yếu kém năng lực tài chính 1 thời điểm, dẫn đến dự án chậm, lãng phí", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Theo Bộ trưởng Thể, Bộ GTVT họp giao ban hàng tháng, hàng quý thậm chí nếu cử tri bức xúc là hàng tuần để kiểm tra, giám sát tiến độ của nhà thầu với các dự án trúng thầu để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Về việc thực hiện quyết toán các dự án, Bộ GTVT thực hiện đúng theo quy định của phát luật.
Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Xây dựng tham gia thẩm tra dự toán vì các dự án BOT luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Những dự án BOT khi triển khai, quy định về vị trí, mức thu đều có sự giám sát chặt chẽ.
"Về giải pháp lâu dài, chúng ta rút kinh nghiệm, khi thực hiện, kinh phí dự phòng rất lớn. Vì thế, hiện nay, cao tốc Bắc - Nam và những dự án Bộ GTVT triển khai, chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội. Sau khi dự án được duyệt rồi, Bộ GTVT tiến hành lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, phê duyệt hồ sơ dự toán để gần sát với triển khai thực tế, làm sao để tránh tình trạng phê duyệt dự án cao, ký hợp đồng cao, thực tế thu lại thấp", Bộ trưởng Thể cho hay.
Chưa hài lòng với phần trả lời tranh luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ví dụ về bài báo trên Dân Trí ngày 21/5: “Kiểm toán 30 dự án BT, kiến nghị xử lý 4.500 tỷ đồng”.
"Bài báo nói rõ hầu hết trong số 17 dự án BT năm 2017, hầu hết lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh, tiềm ẩn rủi ro do chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.
Một số dự án rất lớn, công trình giao thông chỉ phục vụ cho dự án bất động sản mà nhà đầu tư kinh doanh được đánh đổi. Do vậy, những con đường đó cực kỳ đắt bởi sự đánh đổi ấy. Điều tôi muốn hỏi ở đây là kiểm toán nêu rồi thì xin Chính phủ, Bộ trưởng cho biết giờ chúng ta xử lý việc này thế nào, chừng nào xử lý vì liên quan hàng nghìn tỷ đồng của ngân sách và xã hội, nhân dân?", đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Thể khẳng định lại việc chỉ định thầu, Bộ làm đúng luật, cái gì cho phép, Bộ sẽ làm.
"Có những dự án chúng tôi sẽ xin ý kiến Thủ tướng mới triển khai. Do đó xin báo cáo Quốc hội, việc làm này rất là công khai, minh bạch, các cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, xử lý các sai phạm", Bộ trưởng GTVT chốt lại vấn đề.
Bình luận