Phê bình nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban QLDA giải ngân chậm vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ GTVT sẽ có giải pháp mạnh đối với những chủ đầu tư giải ngân kém bằng việc không bố trí vốn cho các chủ đầu tư này.
Chủ đầu tư giải ngân thấp là yếu kém
Phát biểu tại hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Bộ GTVT hôm qua (28/6), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không hài lòng về kết quả giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông của các chủ đầu tư, ban QLDA. Bộ trưởng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ GTVT giải ngân đạt khoảng 43% kế hoạch cả năm.
“Theo số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT nằm trong nhóm 10 cơ quan có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước, đứng thứ hai trong các bộ, ngành chỉ sau Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng rõ ràng con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với những năm trước”, Bộ trưởng nói và cho biết, trước đây, chúng ta có tiền là giải ngân được ngay, bây giờ có tiền nhưng giải ngân vẫn rất thấp.
Bộ trưởng đánh giá: “Những chủ đầu tư, ban QLDA có tỷ lệ giải ngân dưới 43% chứng tỏ thuộc dạng yếu kém, giải ngân chậm đồng nghĩa với việc tiến độ công trình chậm. Bộ đã nhắc nhở nhiều lần, bây giờ cần phải có chế tài xử lý đối với những chủ đầu tư giải ngân kém. Từ giờ đến cuối năm, Bộ GTVT sẽ không bố trí vốn cho các chủ đầu tư, ban QLDA giải ngân trì trệ. Chừng nào chủ đầu tư giải ngân dứt điểm toàn bộ mới được xem xét giao vốn”.
“Trước đây, vốn nhiều vẫn giải ngân nhanh, bây giờ điều kiện khó khăn, nguồn vốn rất ít, lẽ ra phải giải ngân tốt hơn, nhưng kết quả thực tế lại thấp là không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng nói và cho biết, Bộ GTVT sẽ tổ chức một cuộc họp chuyên đề riêng để nghiêm khắc phê bình những đơn vị giải ngân chậm và đưa ra các giải pháp để khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Trước đó, ông Trần Minh Phương, Phó vụ trưởng Vụ KH&ĐT cho biết, tổng số vốn Bộ GTVT phải giải ngân trong năm 2018 là 23.912 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã giải ngân được 10.126 tỷ đồng, đạt khoảng 43% kế hoạch.
“So với mục tiêu ban đầu đề ra, kết quả giải ngân đạt được trong 6 tháng đối với kế hoạch năm 2018 được giao còn thấp hơn khoảng 3,6%”, ông Phương nói và cho biết, nguyên nhân chính là một số dự án ODA mới khởi công, đấu thầu nên chưa có khối lượng thanh toán như: Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, QL217 giai đoạn 2, cầu Thịnh Long.
Bên cạnh đó, một số dự án có vướng mắc trong quá trình thực hiện như: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, VRAMP (Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam), Lộ Tẻ - Rạch Sỏi,...
Nhiều công trình trọng điểm đảm bảo tiến độ
Đề cập đến công tác đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá: “Thời
gian qua, dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành GTVT đã hoàn thành nhiều công trình, dự án hạ tầng quy mô lớn. Điển hình là khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Cao Lãnh, một trong những cây cầu rất lớn của cả nước, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển KT-XH khu vực ĐBS Cửu Long”.
“Nhiều công trình giao thông trọng điểm cũng đã có những chuyển biến lớn về tiến độ thực hiện như: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây đều là những dự án đã có vốn, chúng ta phải cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn đầu tư”, Bộ trưởng nói và cho biết, công tác chuẩn bị triển khai đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng đảm bảo tiến độ.
Trong tháng 7 sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 10 dự án, còn lại dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ phê duyệt vào tháng 9/2018. Đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng đang trong quá trình xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2019.
“Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chuyển biến tích cực khi nhà đầu tư đã ký kết được hợp đồng tín dụng cho dự án trị giá hơn 6.000 tỷ đồng, dự kiến công tác thi công sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Công tác chuẩn bị đấu thầu cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang gấp rút triển khai, hiện đã có 4 liên danh nhà đầu tư nộp hồ sơ sơ tuyển, trong đó có 3 liên danh nhà đầu tư trong nước và một liên danh nhà đầu tư nước ngoài kết hợp với nhà đầu tư trong nước đăng ký tham gia dự tuyển. Trong quý III, dự án sẽ tiến hành tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và phấn đấu hoàn thành xây dựng công trình vào cuối năm 2021”, Bộ trưởng chia sẻ.
Chấn chỉnh ngay tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
Liên quan đến công tác cải cách hành chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Bộ GTVT đã làm được nhiều việc. Tuy nhiên, năm nay, Bộ GTVT xếp ở hạng 14/19 bộ, ngành là tụt dốc quá nhanh sau nhiều năm dẫn đầu về cải cách thủ tục hành chính.
“Trong năm tới, chúng ta phải phấn đấu lên hạng, vấn đề hoàn toàn do con người, cần phải chấn chỉnh lại. Chúng ta đã kiện toàn bộ máy tương đối tốt, tuy nhiên vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị”, Bộ trưởng nói và đặt câu hỏi: Lãnh đạo Bộ luôn khẩn trương trong công việc, chỉ đạo rõ ràng, sát sao, tại sao vẫn một số công việc chưa chạy? Chúng ta làm việc Nhà nước, quy định rất rõ ràng. Mỗi đơn vị có chức năng nhiệm vụ riêng, không thể đùn đẩy. Đó chính là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm.
“Không ai làm thay việc của mình được. Nếu không chỉ đạo tốt, không làm hết trách nhiệm, công việc sẽ không thể tốt được. Giao thông là phải đi trước mở đường. Đi trước mở đường mà giải ngân kém, công trình kéo dài lê thê thì mở đường cách nào?”, Bộ trưởng gay gắt.
Cũng tại hội nghị, khẳng định tầm quan trọng của công tác truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải quan tâm hơn nữa cho công tác này, cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời, đầy đủ, đến nơi đến chốn cho các cơ quan truyền thông, làm rõ những vấn đề mà dư luận quan tâm.
“Qua những thông tin trên truyền thông, những vấn đề tốt cần phát huy, kịp thời động viên khen thưởng. Những vấn đề chưa tốt, cũng nhanh chóng chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Phải coi truyền thông là bạn, là người đồng hành trong hoạt động của mình”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Bình luận