Liên quan tới vụ mua bán xăng dầu giả gây chấn động thời gian qua, sáng 7/6, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thông tin thêm bên hành lang Quốc hội.
"Việc làm giả xăng dầu là rất nguy hiểm. Từ trước tới nay, nhiều người vẫn thắc mắc là tại sao xe máy, ô tô đi trên đường bỗng nhiên bốc cháy, rồi máy móc động cơ hỏng? Qua vụ này có thể rút kinh nghiệm được nhiều vấn đề khác", ông Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Công an cho biết thêm rằng đây mới chỉ là kết quả bước đầu và kiểu làm ăn phi pháp này hết sức phức tạp. Việc điều tra vụ án là cả một quá trình khó khăn, trải dài trên địa bàn rất rộng và thời gian cũng không phải mới bắt đầu gần đây.
Liên quan tới danh sách 24 cửa hàng xăng lấy nguồn xăng giả từ đại gia Trịnh Sướng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết vẫn đang tiếp tục được điều tra và làm rõ.
"Có thể là họ có móc nối, thông đồng từ trước. Có thể họ vô tình không biết nguồn cung cấp. Hiện nay cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra", ông Tô Lâm cho hay.
Khi phóng viên đặt câu hỏi liệu cơ quan điều tra có mở rộng chuyên án điều tra với trường hợp này hay không, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: "Vi phạm pháp luật đến đâu sẽ điều tra nghiên cứu đến đó".
Video: Đại gia Trịnh Sướng mỗi tháng tung ra thị trường 6 triệu lít xăng dầu giả
Sáng 6/6, Bộ Công an và Công an tỉnh Đắk Nông họp báo thông tin về đường dây sản xuất và mua bán xăng giả liên quan đến đại gia xăng dầu Trịnh Sướng, chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, tỉnh Sóc Trăng.
Tại cuộc họp báo, Đại tá Lê Vinh Quy - Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, cơ quan điều tra xác định phương thức hoạt động của các doanh nghiệp liên quan đến đại gia Trịnh Sướng vừa bị bắt.
Các đối tượng mua dung môi chưng cất trong dầu mỏ có chỉ số RON 60-87, sau đó pha với xăng A95 với tỷ lệ 30-50% cùng chất tạo màu để thành xăng RON A92 giả.
"Các doanh nghiệp này còn dùng 35% dung môi, 40% xăng A95 và các chất tạo màu để sản xuất xăng E5 RON 95 giả. Cơ quan điều tra thu giữ các mẫu xăng từ các cơ sở này và kết quả là mẫu xăng không phù hợp với quy định hiện hành vì chỉ số chì, chất trong xăng không đạt hoặc vượt quá mức cho phép", đại tá Quy chia sẻ.
Đại tá Quy nói thêm, sau khi công an Đắk Nông phát hiện 1 trường hợp xe cháy và 2 cơ sở kinh doanh xăng dầu giả ở địa phương thì đã báo Bộ công an để chỉ đạo và lên chuyên án phối hợp với lực lượng chức năng các tỉnh khác làm rõ vụ án.
Đại diện Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, từ ngày 1/1/2017 đến nay, số tiền các bị can dùng để mua dung môi phục vụ việc sản xuất xăng giả là trên 3.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng họ đưa ra thị trường tiêu thụ trên 6 triệu lít xăng giả. Đến nay, công an đã tạm giữ hơn 3 triệu lít dung môi, 2 triệu lít hỗn hợp đã pha chế, 3 tàu thủy, 6 ô tô, 50 kg chất tạo màu.
Theo cơ quan điều tra, trong chuyên án mang số 018SM, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ của vụ án, ngày 13/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 9 bị can liên quan về hành vi Sản xuất, mua bán hàng giả.
Tới ngày 5/6/2019, công an tỉnh Đắk Nông quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 14 bị can, nâng tổng số bị can bị khởi tố là 23 bị can.
Bình luận