• Zalo

Bộ trưởng ăn trưa nhanh với bánh mì để tiếp dân

Thời sựThứ Tư, 23/07/2014 05:40:00 +07:00Google News

Ăn trưa nhanh với bánh mì, Bộ trưởng và Tổng Tổng Thanh tra Chính phủ tiếp dân đến gần hết buổi chiều.

Lần đầu tiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cùng Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh dành gần trọn 1 ngày, hôm nay, ở Ban Tiếp công dân TƯ.

Bà Nguyễn Thị Mai người nhỏ thó, 75 tuổi, mái tóc trắng xóa túm búi, vận áo bà ba xám nhạt có mặt từ sớm ở trụ sở Ban Tiếp công dân TƯ, vừa được lập ra cách đây không lâu.

Bà Nguyễn Thị Mai đưa ra bằng chứng về trả lời của lãnh đạo tỉnh Hà Tây trước đây nói rằng gia đình bà được đền bù 100% giá trị thu hồi nhưng đã bị thực hiện sai 

Hôm nay bà đến để đại diện cho mẹ - cụ Nguyễn Thị Bé, 95 tuổi - người đứng đơn khiếu nại trong một vụ đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) liên quan đất gia đình 7 đời được lấy một phần để làm đường tỉnh lộ 79 ở huyện Đan Phượng. Vụ khiếu nại này kéo dài đã 13 năm.

Khi quy hoạch con đường, đất thổ cư của gia đình bà Bé bị lấy gồm nhà cấp 4 (45,6m2) bị tháo dỡ một phần (16,8m2), bếp cổ 4 mái lợp ngói vảy, nhà cấp 4 lợp tôn xin măng, mái vảy lợp ngói song cầu, tường bao.

Năm 2001, chính quyền huyện Đan Phượng đền bù 70% giá trị nhà cấp 4, mái vảy và 80% giá trị tường bao cho gia đình bà Bé, đồng thời, quy thành tiền đền bù theo quy định của pháp luật.

Gia đình bà không chấp thuận và khiếu nại lên tỉnh ủy Hà Tây, đồng thời cho rằng giá đền bù tổng 31,6m2 đất bị mất được trả quá rẻ đến mức “chỉ có thể để dành mua rau muống ăn dần” nên quyết không nhận tiền đền bù. Đồng thời đòi đền bù 100% giá trị căn nhà cấp 4.

Sau khoảng 11 năm, khi vụ khiếu nại đã đi qua nhiều cấp, kể cả từ khi Hà Tây chưa tách, sáp nhập vào Hà Nội và các cấp lãnh đạo sở, ngành đều vào cuộc, đến khoảng cuối 2012, UBND huyện Đan Phượng mới chịu bổ sung phương án bồi thường GPMB cho bà gia đình Bé, tổng bồi thường bổ sung hơn 23 triệu đồng.

Gia đình tiếp tục khiếu nại vì cho rằng, nhà cấp 4 tháo dỡ năm 2001 một phần nhưng cấu trúc đã bị phá hỏng nên phải bồi thường toàn bộ giá trị căn nhà cho gia đình bà.

Sau cuộc gặp của bà Mai với lãnh đạo TTCP cách đây không lâu, vụ khiếu nại được xem xét. Ngày 4/6 vừa qua, UBND huyện Đan Phượng chịu phê duyệt bồi thường bổ sung 65,2 triệu đồng.

Mong được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên thúc đẩy giải quyết dứt điểm vụ việc 

Đến cuộc gặp tại Ban Tiếp công dân TƯ hôm nay, bà Mai - đại diện cho bà Bé, một lần nữa vẫn không đồng tình. Bà đề nghị bồi thường, hỗ trợ tài sản trên phương án đã phê duyệt ban đầu (bồi thường 70% giá trị tài sản, đơn giá năm 1999) được áp dụng đơn giá năm 2013. Đồng thời đề nghị áp dụng đơn giá năm 2013 đối với đất ở bị thu hồi 31,6m2 hoặc bố trí đất ở khác cho gia đình bà.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên mời Chủ tịch huyện Đan Phượng trả lời yêu cầu của bà Mai. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch huyện cho rằng, trong vụ khiếu nại này, “lỗi” thuộc về gia đình bà Bé vì đã không chịu nhận tiền đền bù từ 2001. Do gia đình bà Bé không nhận tiền nên cơ quan chức năng đã phải gửi lại tiền vào kho bạc từ đó đến nay.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng 

Nên theo ông, khi lỗi không thuộc về phía Nhà nước thì Nhà nước không có trách nhiệm phải đền bù giá theo thời điểm hiện nay với toàn bộ 100% diện tích đất bị thu hồi. Chính quyền huyện chỉ nhận trách nhiệm về 30% giá trị các công trình nhà cửa, vật kiến trúc và 28,8m2 công trình chưa được bồi thường, được tính theo giá 2013. Còn lại, ông khăng khăng, 70% giá trị công trình phải tính theo giá thời điểm 2001.

Bà Mai đứng lên phản bác, cho rằng, việc gia đình bà không nhận tiền là do chính quyền ra quyết định đền bù sai từ đầu. Nếu bà nhận tiền thì vụ khiếu nại sẽ bị “chìm xuồng”, các đền bù khác sẽ không được giải quyết.

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh liền hỏi lý do gia đình không nhận tiền. Bà Mai nói chính quyền huyện Đan Phượng đã dùng một văn bản từ 1997 để áp dụng đền bù, mà lẽ ra thời điểm 2001 phải áp dụng một văn bản khác của Chính phủ.

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh 

“Đó là văn bản đã hết thời hiệu 4 năm, mà đến tháng 9/2001 mới lấy đất của nhà tôi. Tôi nhấn mạnh là tỉnh Hà Tây phê duyệt đền bù 100% giá xây dựng đối với nhà cấp 4, nhưng huyện và ban giải phóng mặt bằng chỉ đền có 70% nên tôi không nhận” - bà Mai trả lời.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên tiếp tục mời Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Hồng Khanh và Chánh Thanh tra Hà Nội làm rõ thắc mắc. Hai vị này cũng cho rằng các quyết định liên quan bồi thường đến nay là rõ ràng. Riêng về bồi thường bằng đất như yêu cầu thì không thể thực hiện vì quy định chính sách không cho phép.

Sau khi nghe tất cả các bên liên quan nêu ý kiến, Bộ trưởng kết luận, vụ việc chỉ còn một điểm nhỏ nhưng bị nhùng nhằng chưa xử lý dứt điểm. Đó là có thể chấp nhận hay không việc đền bù 100% giá trị đất bị thu hồi theo thời giá 2013 hay các phương án khả thi khác.

Chia sẻ với gia đình bà Bé về vụ việc đã bị kéo dài hơn 10 năm qua, Bộ trưởng nói, dù chính quyền các cấp đã nỗ lực giải quyết, nhưng việc để kéo dài là lỗi trước hết của chính quyền.

“Không thể trách cứ, đổ lỗi cho dân được. Vụ việc của nhà bà Bé không lớn lắm mà suốt mười mấy năm bỏ công sức giải quyết việc này là không cần thiết” - ông nói. Và lỗi của chính quyền cơ sở là chưa tuyên truyền, giải thích làm cho dân hiểu rõ, đầy đủ và chấp hành các quy định của pháp luật (như đền bù đất không thể lấy đất đền lại, trừ tái định cư do không có nhà ở).

Bộ trưởng giao các cấp xem xét lại các đề nghị, khiếu nại của dân trên cơ sở hợp tình, hợp lý, đúng quy định của pháp luật.

Bộ trưởng và Tổng TTCP cũng chỉ đạo các cấp, sở ngành lập tổ công tác làm việc với huyện Đan Phượng để báo cáo vào giữa tháng sau, đi đến giải quyết dứt điểm vụ việc.

Ăn trưa nhanh với bánh mì, Bộ trưởng và Tổng TTCP tiếp dân đến gần hết buổi chiều. Các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện chủ yếu liên quan đất đai. Ngoài 4 vụ trên địa bàn HN, còn có một vụ của công dân giáo xứ Cồn Dầu, một vụ của dân tỉnh Tiền Giang.

Theo VNN

Bình luận
vtcnews.vn