• Zalo

Bỏ tiền du học là để có công việc tốt, sao lại nói không về nước là ích kỷ?

Ý kiếnThứ Sáu, 08/11/2024 07:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều gia đình vay tiền, bán đất cho con du học để có cuộc sống tốt, học xong thì phải tìm chỗ làm tốt để hoàn vốn, sao lại bảo người ta là ích kỷ vì không về nước?

Tôi không đồng tình với tác giả bài viết “80% du học sinh tự túc không về nước, giới trẻ ngày nay quá ích kỷ?”. Là mẹ của hai đứa trẻ, tôi hiểu mong ước con ở gần để giúp đỡ mình khi về già của nhiều phụ huynh khác. Tôi cũng cực kỳ coi trọng những bạn trẻ sau khi du học trở về nước cống hiến, cũng cho rằng người trẻ không nên chỉ nghĩ đến bản thân mà phải biết vì cộng đồng. Tuy nhiên, nếu tác giả coi việc phần lớn số người du học tự túc ở lại nước ngoài làm việc là biểu hiện thói ích kỷ của người trẻ ngày nay thì xem chừng có phần phiến diện.

Mưu cầu hạnh phúc là quyền của mỗi người, trong đó có việc hướng đến chất lượng cuộc sống, mức sống cao hơn. Đầu tư vào việc học là một cách để họ đạt mục tiêu đó, và du học là một lựa chọn. Ai cũng biết du học cực kỳ tốn kém, người du học tự túc phải bỏ ra chi phí bằng cả căn nhà cho mấy năm ở nước ngoài, nơi mọi chi phí đều đắt đỏ, và đương nhiên họ kỳ vọng sẽ có công việc tốt, thu nhập cao sau khi ra trường.

Cơ hội việc làm ở nước ngoài mang lại cho họ không chỉ thu nhập cao mà còn cả môi trường làm việc tốt và cơ hội "cọ xát" để phát huy, nâng cao năng lực, phát triển bản thân. Tất cả những yếu tố đó đều rất quý đối với tương lai của các bạn trẻ, họ nắm lấy cơ hội đó cũng là dễ hiểu. 

(Ảnh minh họa: iStock)

 (Ảnh minh họa: iStock)

Hơn nữa, đừng nghĩ rằng ai đi du học tự túc cũng giàu có. Nhiều em đi học bằng tiền vay, hoặc tiền cha mẹ bán đất, bán nhà và nếu là người có trách nhiệm với bản thân và gia đình, họ phải cố gắng tìm kiếm việc làm xứng đáng với suất đầu tư ấy. Trước khi nghĩ đến việc cống hiến cho cộng đồng, nhiều du học sinh sau tốt nghiệp phải nghĩ đến chi phí cuộc sống, tìm cách “hoàn vốn” hay trả nợ học phí, sinh hoạt phí và xa hơn là báo hiếu cha mẹ, giúp đỡ gia đình.

Nếu theo dõi các diễn đàn du học, bạn sẽ thấy tiền học phí, tiền thuê nhà, ăn ở... tại các nước phát triển cộng lại sẽ thành con số đáng giật mình thế nào. Chẳng hạn, tổng chi phí để lấy bằng cử nhân tại Australia là khoảng 3 tỷ đồng cho 4 năm; muốn tốt nghiệp bậc đại học tại Anh sẽ phải chuẩn bị khoảng 5 tỷ đồng. Chi phí du học ở các quốc gia châu Á tuy mềm hơn nhưng cũng không phải là con số nhỏ.

Dù có xin được học bổng 30%, 50% hay thậm chí 70% học phí, số tiền còn lại phải chi vẫn là khoản mà nhiều phụ huynh phải tích góp, nai lưng ra làm cả đời.

Nhận thức được điều này nên rất nhiều du học sinh vừa học vừa làm thêm cực kỳ vất vả để có thêm kinh phí trang trải, mong giảm gánh nặng cho gia đình và sớm bù đắp lại chi phí du học, để bố mẹ sớm được thảnh thơi tận hưởng tuổi già.

Nhìn nhiều gia đình đầu tư bạc tỷ cho con du học nhưng con về nước làm công việc lương thấp, tôi tự hỏi khi nào họ mới có thể trả nợ hay hoàn lại chi phí bỏ ra, bao giờ họ có thể lo cho mình có cuộc sống tốt chứ chưa nói đến chuyện cống hiến cho gia đình và xã hội. Theo tôi, những thanh niên dửng dưng nhìn khoản tiền tích cóp của bố mẹ tan biến một cách vô ích mới thực sự là ích kỷ.

Tôi ủng hộ các bạn trẻ cứ làm ở nước ngoài để có thu nhập cao và học hỏi thêm, nâng cao bản thân, khi có trình độ vững vàng, chuyên môn xuất sắc và thậm chí cả nền tảng tài chính tương đối thì sẽ về Việt Nam tìm công việc tương xứng. Nhiều bạn trẻ ở lại nước ngoài làm việc sau khi học xong nhưng sau đó lại về nước cống hiến, như người giành vòng nguyệt quế Olympia mùa 9 - Hồ Ngọc Hân.

Năm 2010, Hân sang Australia lấy bằng cử nhân tại Đại học Swinburne rồi sau đó tiếp tục lấy bằng tiến sỹ chuyên ngành chỉnh sửa gene. Năm 2019, Hân sang London, Anh, làm việc tại Viện Francis Crick - một viện nghiên cứu vi sinh hàng đầu thế giới. Vào năm 2022, anh trở về Việt Nam, công tác tại Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế. Trải qua quá trình làm việc ở những môi trường tuyệt vời trên thế giới, TS Hân càng trở nên giỏi giang hơn, cống hiến được nhiều hơn cho nước nhà.

Báo chí cũng kể về rất nhiều du học sinh Việt Nam được các tập đoàn danh tiếng như Google, Intel, Meta… nhận làm ngay sau khi tốt nghiệp và họ được nhiều đàn em đang học trong nước coi là tấm gương phấn đấu. Công việc tại các doanh nghiệp quốc tế không chỉ làm giàu kiến thức, kinh nghiệm, tài sản của bản thân họ mà còn làm rạng danh Việt Nam.

Có thể sau này họ sẽ về, nhưng dù định cư ở nước ngoài, họ vẫn có thể đóng góp cho đất nước bằng nhiều cách nếu có tài năng và tấm lòng. Những người Việt tại nước ngoài cũng góp sức đưa văn hóa Việt Nam đến gần bạn bè quốc tế, đem hình ảnh con người Việt Nam in dấu lên quá trình phát triển của thế giới.

Du học sinh muốn ở lại nước ngoài làm việc phải nỗ lực rất lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện ngặt nghèo. Họ phải trải qua rất nhiều nhọc nhằn, đổ mồ hôi sôi nước mắt chứ không phải sung sướng, an nhàn ngồi mát ăn bát vàng, vì vậy đừng đánh giá là ích kỷ khi họ nhận được những gì xứng đáng theo lựa chọn của mình. Những lựa chọn phù hợp với luật pháp và đạo đức đều cần được tôn trọng.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Cẩm My
Bình luận