(VTC News) - "Lâu nay chúng ta quen rằng cứ hỏng là bỏ tiền ngân sách để sửa chữa, không ai nghĩ đến việc nộp tiền để sửa đường" - Tiến Sỹ Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ - Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội bày tỏ.
>>Quỹ bảo trì: Ôtô cá nhân đóng 2 triệu đồng/năm
- Thưa ông, có ý kiến cho rằng “tăng các loại phí giao thông đường bộ vì hiện nay ngân sách đầu tư cho giao thông đang giảm”, ông có bình luận gì về ý kiến này?TS. Nguyễn Quang Toản
- Đúng vậy, ngân sách dành cho giao thông đang giảm nghiêm trọng, trong đó giảm lớn nhất là vốn ODA, sau đấy là vốn trái phiếu, rồi tỷ lệ ngân sách cho cơ sở hạ tầng nói chung đều giảm. Hiện nay ngân sách nhà nước chỉ còn đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thực tế đầu tư hạ tầng giao thông.
Vốn nhà nước đầu tư cho giao thông giảm, nhưng nhu cầu chi phí không ngừng tăng. Trong tình cảnh như thế thì phải huy động mọi đóng góp của xã hội. Đấy là lối thoát duy nhất.
- Vừa rồi Chính phủ đã ký ban hành Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ, trên phương diện cá nhân, ông có đánh giá gì về Quỹ này?
- Quan điểm chung, quỹ này là cần, vì nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tăng nhanh, trong khi chất lượng công trình giao thông giảm sút theo thời gian và mức độ sử dụng. Chi phí này rất lớn, chiếm khoảng 5-10% tổng mức đầu tư một công trình. Với yêu cầu như thế, nhưng lâu nay chúng ta quen rằng cứ hỏng là bỏ tiền ngân sách để sửa chữa, không ai nghĩ đến việc nộp tiền để sửa đường. Dù rằng trước sau vẫn là tiền thuế của dân.
- Tính kỹ ra hiện nay một đầu xe đang phải chịu 8-9 loại phí, điều này khiến không ít người dân lo lắng, quan điểm của ông thế nào và đâu là bất cập mà cơ quan chức năng cần nghiên cứu?
- Bản chấn của việc chia nhiều loại phí là sự thiếu thốn chung của nên kinh tế, cộng với trình độ quản lý của chúng ta chưa cao. Chúng ta chưa làm được việc tập trung tất cả các loại phí vào làm một, rồi sau đó điều phối cho các hoạt động khác nhau.
Cũng có một tâm lý xã hội, nếu gộp tất cả phí vào làm một thì cả xã hội có thể bị sốc. Như các nước giàu họ tập trung thu tất cả qua giá xăng dầu, nhưng với người dân của họ đã quen như thế. Còn ở ta, đóng góp mà xã hội chưa quen thì không nên tập trung tất cả vào làm một.
Cái bất hợp lý nhất là nền kinh tế nào thì chất lượng dịch vụ đấy, chúng ta nâng quá cao chất lượng dịch vụ của mình, để cho nền kinh tế không chịu được, người sử dụng dịch vụ không có khả năng chi trả.
- Khi đưa ra lý do thu phí, các ngành chức năng thường viện dẫn “thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc, giảm tai nạn”, ông đánh giá gì về lý do này?
- Đấy cũng là một cách nói, vấn đề là mục đích. Vì nếu bỏ tiền ra mà giảm được ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, thì người dân rất dễ đạt đến sự đồng thuận hơn. Nhưng bản chất là tăng thu, sự tăng thu ấy có ưu điểm tốt là vì mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo quy luật, có nhiều xe, sự đi lại sẽ tăng, lúc đấy mới thu được nhiều tiền. Giờ hạn chế xe, ta làm con đường chỉ thu được ít phí vì ít xe chạy. Cái đấy là một quan điểm kinh tế ngược.
Còn kỳ vọng hay không, đấy là vấn đề khó bàn, nhưng có thể hy vọng, khi chi phí tăng lên, thì tinh thần trách nhiệm và chất lượng dịch vụ tăng theo. Đấy là mục tiêu của Quỹ.
- Theo Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ sẽ được thu qua đầu phương tiện, nhiều người lo ngại như vậy sẽ không đảm bảo công bằng, còn ông nghĩ thế nào?
- Ở đây có 2 cái bất hợp lý, thứ nhất xe chạy nhiều và chạy ít vẫn phải trả phí như nhau, như xe gia đình chỉ chạy cuối tuần, còn xe taxi, xe kinh doanh vận tải chạy suốt ngày; Thứ hai, xe phá đường nhiều vẫn đóng như xe phá đường ít.
Phương thức thu qua đầu phương tiện đã quyết rồi, tuy không thể nói là nó ưu việt hơn so với các phương thức khác, nhưng có thể chấp nhận được. Không có cách xác định công bằng tuyệt đối, nếu thống nhất với nhau mỗi người hy sinh một ít.
- Ông có băn khoăn gì khi các loại phí tới đây sẽ được thực hiện?
- Tôi băn khoăn nhất vẫn là làm sao để đảm bảo công bằng. Đối với người nghèo, với người dùng phương tiện không phải để đi lại, mà là phương tiện sản xuất, thu nhập lại rất tối thiểu, thì nhà nước nên trợ cấp cho họ.
Có người suốt đời không được bước lên đường nhựa vẫn phải đóng góp cho việc làm đường nhựa, như đồng bào miền núi, nông dân, hộ nghèo... Có khi họ có một phương tiện để đi lại mà cũng thu thì không nên, nếu có thu chắc gì đã thu được.
Đứng về mặt tổng thể, thì nhà nước phải nghĩ biện pháp cân bằng, người nào có thể được trợ cấp, người nào phải thu nhiều hơn, vùng khó khăn không phải nộp…
- Xin cảm ơn ông!
Lê Việt(Thực hiện)
Bình luận