Bộ Lao động thừa nhận: "Tăng lương chỉ đủ bù trượt giá"

Thời sựThứ Sáu, 20/01/2012 12:40:00 +07:00

(VTC News) - “Năm 2011, dù Chính phủ đã thực hiện tăng lương tối thiểu nhưng mức tăng lương chỉ đủ bù trượt giá", Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương đánh giá.

(VTC News) - Đánh giá về tình hình lương của người lao động trong năm 2011, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: “Năm 2011, dù Chính phủ đã thực hiện tăng lương tối thiểu sớm hơn kế hoạch 3 tháng nhưng mức tăng lương chỉ đủ bù trượt giá, còn mức tăng thu nhập thực tế không đáng kể”.

>>Đề xuất lương công chức tối thiểu là 3,15 triệu đồng

Đánh giá trên được bà Tống Thị Minh đưa ra chiều 19/1/2012, tại buổi Công bố kết quả điều tra tình hình lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp năm 2011.

Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội (LĐ-TB&XH) đã tiến hành điều tra trên 1.660 doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên ở 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Qua điều tra, tiền lương (danh nghĩa) bình quân của người lao động năm 2011 là 3,84 triệu đồng/người/tháng (tăng 19,6% so với 2010); thu nhập (danh nghĩa) bình quân của người lao động năm 2011 là 4,17 triệu đồng/người/tháng (tăng 14,64% so với năm 2010).

“Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, CPI năm 2011 tăng 18,58% so với năm 2010. Như vậy, mức tăng lương tối thiểu vào thời điểm tháng 1/10/2011 chỉ đủ để bù trược giá, còn tăng tiền lương chưa đáng kể”, bà Minh nhận xét.

 Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận tăng lương chỉ đủ bù trượt giá. Ảnh minh họa Internet.

Cũng theo đánh giá của bà Minh, các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) trả lương cho lao động quản lý cao hơn khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước chi phối. Tuy nhiên, với lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh và nhân viên thừa hành, phục vụ của doanh nghiệp FDI lại có mức lương thấp hơn các doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước.

“Như vậy có thể thấy tính chất bình quân tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước là rất lớn”, bà Minh nói.

Cụ thể, mức thu nhập bình quân của ngành Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm vẫn cao nhất, ở mức 5,61 triệu đồng. Tuy nhiên, mức thu nhập này không chênh nhiều so với các ngành khác như: Thông tin và truyền thông (5,4 triệu đồng); dịch vụ lưu trú và ăn uống (4,4 triệu đồng); vận tải kho bãi (4,5 triệu đồng); xây dựng (4,4 triệu đồng)…

Nhóm ngành có mức thu nhập thấp nhất vẫn là Nông, lâm nghiệp (3,7 triệu đồng); Thuỷ sản (3,8 triệu đồng); Khai khoáng, chế biến, chế tạo (3,9 triệu đồng).

Về bảo hiểm xã hội (BHXH), theo bà Minh, còn khoảng 9,5% số lao động thuộc diện tham gia BHXH nhưng chưa tham gia. Doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức tiền lương tháng đóng BHXH bằng khoảng 70% mức tiền lương của người lao động. Trong khi đó, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và công ty cổ phần vốn nhà nước chi phối có mức tiền lương đóng BHXH hội chỉ bằng khoảng 49% mức tiền lương của người lao động.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH đánh giá: “Trong năm 2012, sẽ mở rộng phân tích sâu hơn về tiền lương, thu nhập của người lao động. Hiện nay, chênh lệch giữa 3 khối doanh nghiệp còn rất lớn (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI - PV). Trong các Tập đoàn và Tổng công ty nhà nước thì tiền lương và thưởng còn cao hơn. Tuy nhiên, mức lương đấy có gắn với hiệu quả kinh tế không vẫn còn là một vấn đề lớn”.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn