Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất giải pháp xử lý bất cập các trạm thu phí thuộc dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn qua Cần Thơ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Các phương án đề xuất được Tổng cục Đường bộ và nhà đầu tư nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật, hợp đồng.
Theo đó, phương án một là bỏ trạm thu phí số hai (trạm T2) và tiếp tục thu phí tại trạm thu phí số một (trạm T1) trên quốc lộ 91. Theo phương án này, Nhà nước không phải bỏ tiền thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc thu bằng một trạm thu phí còn lại (trạm T1) sẽ không khả thi về phương án tài chính cho nhà đầu tư theo hợp đồng, không thể đủ hoàn vốn, không xử lý dứt điểm tồn tại của dự án.
Phương án hai, Bộ GTVT đề xuất chấm dứt hợp đồng trước hạn, Nhà nước bố trí vốn ngân sách hơn 1.800 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư, xóa bỏ cả hai trạm thu phí trên tuyến quốc lộ 91. Phương án này giải quyết triệt để các tồn tại, vướng mắc của dự án, đáp ứng các quy định của hợp đồng và quy định liên quan tới hợp tác công - tư, khả thi để thực hiện. Tuy nhiên, Nhà nước phải bỏ tiền ngân sách để trả nhà đầu tư.
Qua phân tích, Bộ GTVT ưu tiên chọn phương án hai, đảm bảo khía cạnh pháp lý, lợi ích Nhà nước – nhà đầu tư – người dân, giải quyết các vướng mắc của dự án.
Dự án nâng cấp quốc lộ 91 theo hình thức BOT hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2016, với hai trạm thu phí để thu hồi vốn đầu tư. Tuy nhiên, từ năm 2017, các tài xế đã tập trung phản đối trạm thu phí số hai, nên năm 2019 Bộ GTVT đã phải tạm dừng thu phí tới nay. Do chỉ còn một trạm thu phí, nên năm 2020 doanh thu từ thu phí chỉ bằng 50% phương án tài chính, và năm 2021 giảm chỉ bằng 36%, dẫn tới không đảm bảo thu phí hoàn vốn và trả nợ.
Bình luận