• Zalo

Bộ GTVT nêu giải pháp xử lý 'sốt đất' tại dự án cao tốc

Bất động sảnThứ Bảy, 11/06/2022 17:16:42 +07:00Google News

Trước tình trạng tiền giải phóng mặt bằng bị đội lên vì sốt đất, Bộ GTVT kiến nghị địa phương quản lý tốt quỹ đất và có giải pháp bổ sung vốn khi kinh phí tăng.

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ GTVT nhận được đề nghị của đại biểu Quốc hội về việc cần kiểm soát vấn đề sốt đất tại địa phương nơi có dự án triển khai; các đại biểu băn khoăn về nguồn vốn bổ sung trong trường hợp phát sinh thêm vốn cho công tác giải phóng mặt bằng.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) đặc biệt lo ngại vấn đề đội vốn khi giải phóng mặt bằng các dự án đường vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP.HCM bởi diện tích mặt bằng của 2 dự án này khá lớn.

Bộ GTVT nêu giải pháp xử lý 'sốt đất' tại dự án cao tốc - 1

Bộ GTVT nêu dẫn chứng về tình trạng sốt đất tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Minh hoạ).

Trong văn bản giải trình do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký, Bộ GTVT thừa nhận tại một số địa phương đã và đang diễn ra tình trạng sốt đất như ở huyện Long Thành (Đồng Nai). Giá đất đền bù có thể cao hơn so với giá trị tính toán theo quy định tại thời điểm quyết định đầu tư.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ GTVT kiến nghị các địa phương cần quản lý tốt quỹ đất theo quy hoạch, kiểm soát vấn đề sốt đất bảo đảm không vượt chi phí tính toán theo quy định.

Trường hợp giá đất tăng cao, các địa phương sẽ bổ sung nguồn vốn như cam kết tại các nghị quyết bố trí vốn ngân sách địa phương của HĐND. Nếu chi phí phát sinh làm vượt sơ bộ tổng mức đầu tư, địa phương phải kiến nghị Quốc hội cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Rút kinh nghiệm từ các dự án trước đây, Chính phủ sẽ triển khai công tác giải phóng mặt bằng đồng thời với công tác chuẩn bị dự án. Những phần việc này gồm cắm và bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, kiểm đếm thống kê di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị xây dựng các khu tái định cư, tuyên truyền phổ biến để người dân hiểu và đồng thuận…

Các địa phương phải thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ngay sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Thời gian qua, tình trạng nhu cầu vốn thực tế cho giải phóng mặt bằng bị đội lên so với dự toán ban đầu xuất hiện phổ biến tại nhiều dự án được Bộ GTVT triển khai.

Đơn như như tại dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc trục vành đai 3 TP.HCM, chi phí giải phóng mặt bằng đoạn đi qua TP.HCM ban đầu được tính toán là gần 150 tỷ đồng, sau đó đội gấp 10 lần, lên thành 1.600 tỷ đồng. Kinh phí GPMB đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai cũng bị đội từ 475 tỷ đồng lên 651 tỷ đồng.

Hậu quả, dự án thành phần 1A bị chậm khởi công, mất nhiều thời gian để xin điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Theo Bộ GTVT, chi phí bồi thường, tái định cư sẽ bao gồm 3 phần.

Thứ nhất là chi phí giải phóng mặt bằng được xác định trên cơ sở đơn giá do địa phương ban hành, diện tích các loại đất, đồng thời xác định chi phí bồi thường nhà, tài sản, vật nuôi trên phần đất chiếm dụng.

Thứ 2 là chi phí hỗ trợ sẽ bao gồm các khoản hỗ trợ theo quy định như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ thuê nhà, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ đối tượng nghèo/chính sách. Cuối cùng là chí phí tái định cư.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn