Sáng 30/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc Hội Trần Quang Phương, các đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng, Việc Quốc hội lựa chọn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành là rất đúng, rất cần thiết và quan trọng.
Ông Hoàn cho rằng, công tác quy hoạch tại nhiều địa phương vẫn còn mang tính hình thức, thiếu công khai thông tin để người dân nắm được. Do vậy, ông Hoàn cho rằng cần phải đăng tải thông tin về đồ án trên cổng thông tin điện tử.
"Việc công khai thông tin quy hoạch có lúc, có nơi chưa được thực hiện nghiêm túc, có nơi không công bố, có nơi công bố nhưng không xem rõ nội dung, người dân không nắm được quy hoạch. Điều này dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thị trường, sốt đất ảo...", ông Hoàn cho biết.
Bên cạnh đó, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho biết, theo kết quả điều tra, phân tích số liệu của chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam trong điều tra, khảo sát quản trị hành chính cấp tỉnh ở Việt Nam cho thấy, trong 8 chỉ số khảo sát, chỉ số sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở thuộc nhóm 2 chỉ số thấp nhất.
Kết quả cũng cho thấy, còn quá ít người dân biết đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi mình cư trú. Năm cao nhất chỉ có 20% người dân được hỏi biết đến nội dung này, trong khi đó năm thấp nhất chỉ có 12%.
Trong khi đó, số người dân được hỏi về việc đã từng đóng góp ý kiến kế hoạch sử dụng đất tại nơi họ cư trú năm cao nhất chỉ là 7%, năm thấp nhất chỉ là 2,8%. Các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đều yêu cầu các cơ quan làm quy hoạch tiếp thu, giải trình lý do không tiếp thu ý kiến của người dân. Chỉ số này đánh giá cấp độ dân bàn được thực hiện đến đâu hay chỉ mang tính hình thức.
Đại biểu Tú Anh cho rằng: "Bản quy hoạch tốt nhất là bản quy hoạch thể hiện sự mong muốn của người dân, một bản quy hoạch có tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu mà người dân cho là cần thiết. Để việc thực hiện lấy ý kiến của người dân được thực hiện tốt hơn, chính quyền các cấp, các bộ, viên chức cần coi phục vụ người dân là mục tiêu chính trong hoạt động của mình. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập quy hoạch không chỉ làm đúng theo quy định của pháp luật về công bố thông tin, lấy ý kiến người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với các tầng lớp dân cư là rất cần thiết".
Cũng đồng tình với đại biểu Tú Anh, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, việc triển khai Luật Quy hoạch còn chậm và có nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là do việc quy hoạch chủ yếu liên quan đến đất đai, an sinh của người dân và liên quan đến nhiều bộ, ngành.
"Do vậy, khi tiến hành quy hoạch, Chính phủ cần xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, căn cơ, không nên để tình trạng loạn quy hoạch, quy hoạch treo. Có chính sách phù hợp về nhà đất, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến ổn định an sinh của người dân đang sinh sống trên vùng đất quy hoạch", đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhiều đại biểu cho rằng, lo ngại và bức xúc nhất là quy hoạch treo, dự án treo. Các dự án treo này vừa gây lãng phí tiền của, đất đai, vừa gây ảnh hưởng đến đời sống và gây bức xúc trong nhân dân, nhất là người dân đang sinh sống trong vùng quy hoạch.
Do đó, các đại biểu cho rằng cần có thời gian quy định rõ ràng sau bao lâu quy hoạch nhưng không được thực hiện thì sẽ hết hiệu lực và bị thu hồi. Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát để việc triển khai Luật Quy hoạch cũng như công tác quy hoạch được triển khai một cách nhanh, hiệu quả, đúng mục tiêu.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, sau khi Luật được thông qua gần 2 năm vẫn chưa thể triển khai được do quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch quốc gia chưa lập, phê duyệt xong nên không có căn cứ để lập các quy hoạch cấp dưới. Đồng thời khi các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 hết hiệu lực thì không còn cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo ông Thanh, kinh phí lập quy hoạch trong Kế hoạch đầu tư công là 4.368 tỷ đồng, trong đó, vốn của các Bộ, ngành là 1.243,63 tỷ đồng; của 56 địa phương là 3.124,36 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến 28/2/2022, số vốn đã giải ngân của các Bộ, ngành là 244,68 tỷ đồng (bằng 19,67%), các địa phương là 1.147,45 tỷ đồng (bằng 36,72%).
Bên cạnh đó, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn. Đến nay còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2025.
Do tiến độ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh Quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011 - 2020. Vì vậy đang tồn tại song song, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch.
Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh.
Một số Bộ, ngành, địa phương đã có quyết tâm cao, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ nên đến nay có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.
Bình luận