• Zalo

Bộ GD&ĐT nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa lớp 2 từ ngày 15/11

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 04/11/2020 19:03:34 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, thời gian nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa lớp 2 diễn ra từ ngày 15 đến 30/11/2020.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có thông báo về việc tổ chức thẩm định đợt 2 sách giáo khoa lớp 2 của các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32 của Bộ trưởng GD&ĐT.

Cụ thể, thời gian nhận hồ sơ thẩm định từ ngày 15 đến 30/11/2020 tại trụ sở Bộ GD&ĐT (Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội). 

Sau khi hoàn thành khâu thẩm định, các bản mẫu sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu sẽ được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để các địa phương lựa chọn, sử dụng từ năm học 2021-2022 ở các trường tiểu học trên cả nước.

Bộ GD&ĐT nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa lớp 2 từ ngày 15/11 - 1

Ảnh minh họa.

Ở lần thẩm định đầu tiên, Bộ GD&ĐT đã nhận được hồ sơ đề nghị của 4 nhà xuất bản, gồm: Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà Xuất bản Đại học sư phạm, Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM, Nhà Xuất bản Đại học quốc gia TP.HCM.

Hiện có 33 bản mẫu sách giáo khoa của 9 môn học, hoạt động giáo dục lớp 2 được gửi đề nghị thẩm định, trong đó môn toán có 4 bản mẫu, môn tiếng Anh có 8 bản, các môn còn lại gồm tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên - xã hội, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm, mỗi môn có 3 bản mẫu.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, trong lần thẩm định sách lớp 2 và lớp 6 tới đây, Bộ yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận, tranh luận, có sự phản biện giữa tác giả sách với Hội đồng thẩm định.

Ngoài việc tăng tương tác giữa Hội đồng tăng với các nhóm tác giả, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu mở thêm các kênh thông tin khác nhau để có thể lấy ý kiến rộng rãi hơn, trong đó quan trọng nhất là việc lấy ý kiến từ các thầy cô trực tiếp giảng dạy.

Theo Vụ trưởng, sách lớp 2 và lớp 6 viết theo Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được đưa vào sử dụng từ tháng 9 năm học 2021-2022. Do đó, việc công bố sớm sách giáo khoa được phê duyệt sẽ giúp các nhà xuất bản có thêm thời gian để thực hiện khâu in ấn, phát hành. Đồng thời, các đơn vị có thêm thời gian để tập trung bồi dưỡng giáo viên về việc sử dụng sách mới, mô-đun, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.

Thứ trưởng Bộ G&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết, Bộ sẽ thực hiện 3 điều chỉnh quan trọng trong công tác thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và 6.

Thứ nhất, thực hiện kiểm soát chặt chẽ quá trình thực nghiệm sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp tham gia chỉ đạo, phối hợp các nhà xuất bản, tác giả tổ chức việc thực nghiệm (trước đây là nhà xuất bản và tác giả tự tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa lớp 1).

Thứ hai, cần tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để nâng cao chất lượng bản mẫu sách giáo khoa trước khi gửi lên Bộ thẩm định. Theo đó, các nhà xuất bản có trách nhiệm tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng nội dung sách. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa sẽ đánh giá, nhận xét, góp ý để tác giả tiếp tục hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa. 

Thứ ba, Bộ GD&ĐT sẽ mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu sách giáo khoa, có thể bằng cách đăng lên mạng bản mẫu sách giáo khoa dạng PDF để xin ý kiến góp ý, nắm bắt kênh thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Hà Cường
Chuyên đề:
Bình luận
vtcnews.vn