Báo cáo tại Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản và sử dụng SGK Giáo dục phổ thông diễn ra hôm nay (29/9), PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, chủ trương xã hội hoá SGK đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn SGK, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn SGK. Đến nay có 6 nhà xuất bản (NXB) tham gia biên soạn, phát hành SGK môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp.
Đông đảo đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học uy tín, kinh nghiệm thực tế và năng lực biên soạn SGK đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở GDPT tham gia. Trong đó, nhiều tác giả là Tổng chủ biên, Chủ biên và thành viên biên soạn chương trình GDPT 2018; tham gia biên soạn, bồi dưỡng các môđun triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018.
Thông tư số 33 quy định cụ thể 5 tiêu chuẩn về SGK làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định SGK, căn cứ các tiêu chuẩn về điều kiện tiên quyết, nội dung, cấu trúc, phương pháp giáo dục, ngôn ngữ sử dụng với 13 tiêu chí và đã được cụ thể hoá thành 40 chỉ báo bảo đảm cho tổ chức, cá nhân biên soạn các bản mẫu SGK khác nhau có ý tưởng thể hiện khác nhau nhưng đều đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018.
Các SGK có những sáng tạo riêng trong cách thức trình bày, thể hiện nội dung với cùng một yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục. Các SGK khác nhau lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh khác nhau, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá được lựa chọn khác nhau làm đa dạng các bộ SGK, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương với sự khác biệt đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hoá.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng về ưu điểm, cấu trúc các bản mẫu SGK cơ bản đáp ứng, đồng nhất về cấu trúc, nội dung theo quy định về SGK. Ngữ liệu, hình ảnh được sử dụng không vi phạm quy định về chủ quyền quốc gia, thân nhân tác giả, không có vấn đề mang tính nhạy cảm về chính trị, ngoại giao, dân tộc, tôn giáo.
Nội dung phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá thể hiện trong các bản mẫu SGK đều đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh được quy định trong chương trình các môn học/hoạt động giáo dục.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng thẳng thắn thừa nhận SGK mới vẫn còn một số hạn chế như một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu SGK chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu SGK trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các SGK khác nhau.
Chất lượng một số bản mẫu SGK còn hạn chế, bên cạnh những lỗi về nội dung còn rất nhiều lỗi về chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh...
Việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào SGK chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội, gây băn khoăn trong dư luận khi SGK đưa vào sử dụng. Việc thẩm định SGK còn cần phải thực hiện qua nhiều vòng, nhiều đợt dẫn đến việc phê duyệt danh mục SGK còn chậm gây khó khăn trong việc tổ chức lựa chọn SGK.
Về lựa chọn, cung ứng sách giáo khoa qua thực tiễn thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương về việc lựa chọn SGK cho thấy còn tồn tại những hạn chế. Cá biệt một số địa phương chỉ chọn duy nhất 1 bộ SGK.
Thời gian ban hành quyết định danh mục SGK được lựa chọn chậm, muộn so với quy định tại Thông tư. Việc thông báo nhu cầu số lượng SGK theo các môn học của các địa phương chậm muộn, dẫn đến bị động cho các NXB trong việc cung ứng SGK trước thềm năm học mới.
Trong thời gian tiếp theo, ông Nguyễn Xuân Thành thông tin, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK theo quy định tại Thông tư số 05 ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh hoạ của bản mẫu SGK, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình; tăng cường công tác thực nghiệm SGK, khai thác góp ý sau thực nghiệm, xin ý kiến nội bộ để tăng cường chất lượng bản mẫu SGK.
Tăng cường kiểm soát chất lượng thực nghiệm bản mẫu SGK, đảm bảo bài thực nghiệm đại diện cho các chủ đề trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục, đặc biệt đảm bảo tính khả thi của các bài thực hành, thí nghiệm, bài học dự án.
Đặc biệt, thời gian tới bảo đảm SGK tinh giản tối đa kênh chữ, kênh hình, khai thác hiệu quả hình ảnh và ngữ liệu để đảm bảo hiệu quả bài học và giảm giá thành SGK. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt SGK, dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn SGK đáp ứng với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền.
Bộ tiếp tục tăng cường việc tiếp nhận ý kiến đề xuất lựa chọn SGK từ các cơ sở GDPT của Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh; phối hợp tốt trong việc thông tin nhu cầu sử dụng SGK của địa phương và cung ứng để bảo đảm đủ SGK trước khai giảng năm học.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng tăng cường trang bị SGK, sách tham khảo cho các thư viện trường học, đảm bảo giáo viên, học sinh có đủ SGK, tài liệu để tham khảo trong quá trình dạy - học; huy động tận dụng, tái sử dụng SGK đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
Bình luận