• Zalo

Giá SGK tăng cao, giáo viên vùng cao khổ vì bị hiểu lầm 'ăn chặn' tiền học sinh

Diễn đànThứ Bảy, 02/07/2022 08:12:25 +07:00Google News
(VTC News) -

Một giáo viên chia sẻ, giá sách giáo khoa mới tăng cao, nhiều phụ huynh vùng cao chưa hiểu còn nói giáo viên “ăn chặn”, lấy tiền của học sinh bỏ túi.

Trước những phản ánh của dư luận về việc giá sách giáo khoa trong chương trình GDPT 2018 tăng cao, mới đây, Bộ GD-ĐT đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước để mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.

Giá SGK tăng cao, giáo viên vùng cao khổ vì bị hiểu lầm 'ăn chặn' tiền học sinh - 1

Một giáo viên chia sẻ, giá sách giáo khoa mới tăng cao, nhiều phụ huynh vùng cao chưa hiểu còn nói giáo viên “ăn chặn”, lấy tiền của học sinh bỏ túi. (Ảnh minh họa)

Là giáo viên công tác công tác tại điểm trường vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn Chè Lỳ A (xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) - cô Hoàng Thị Điệu rất vui mừng khi biết Bộ GD-ĐT có chủ trương xây dựng thư viện sách giáo khoa dùng chung cho học sinh khó khăn.

“Tại điểm trường Tiểu học Chè Lỳ A, hầu hết học sinh không có điều kiện mua sách, phụ huynh cũng không thể bỏ ra vài trăm nghìn để mua sách cho con, họ sẵn sàng cho con nghỉ học. Hiện nay theo quy định, các em học sinh ở vùng 3 – khu vực khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập 150.000 đồng/tháng. Đầu năm học Phòng GD-ĐT sẽ đăng ký sách cho học sinh và đợi đến khi hết học kỳ 1, có tiền hỗ trợ mới lấy tiền này trả tiền sách cho học sinh”.

Theo cô Điệu, với giá sách giáo khoa như trước đây, sau mỗi kỳ học, trừ khoản tiền khoảng hơn 150.000 -200.000 đồng mua sách, học sinh vẫn được nhận lại vài trăm nghìn đồng từ tiền hỗ trợ của nhà nước để trang trải những chi phí khác, mua sắm thêm vở bút, đồ dùng học tập. Thế nhưng khi sách giáo khoa mới tăng cao, tiền hỗ trợ học sinh mỗi kỳ học chỉ vừa đủ mua sách giáo khoa.

“Với học sinh vùng cao, số tiền hỗ trợ dư ra được lấy về dù chỉ vài trăm nghìn nhưng có ý nghĩa rất lớn với các em. Giờ đây giá sách tăng cao, tiền mua sách và tiền hỗ trợ chỉ “sang ngang”, học sinh không phải bỏ thêm tiền túi đã là may. Cũng bởi vậy mà 2 năm học qua, nhiều phụ huynh lớp 1, 2 chưa hiểu vẫn thắc mắc tại sao tiền mua sách của học sinh lớp 3, 4, 5 tại sao lại thấp hơn nhiều, học sinh lớp lớn hơn vẫn được cầm tiền về sau khi trừ hết tiền mua sách còn học sinh lớp 1, 2 lại không có. Nhiều phụ huynh chưa hiểu còn nói giáo viên “ăn chặn”, lấy tiền của học sinh bỏ túi", cô Điệu chia sẻ.

Vì vậy cô rất vui mừng và ủng hộ việc xây dựng thư viện sách giáo khoa dùng chung tại các nhà trường, đặc biệt là các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Song cô Điệu cũng không khỏi băn khoăn, tại các trường vùng núi như Chè Lỳ A, thì gần như 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng tự mua sách giáo khoa. Mỗi điểm trường của Tiểu học Chè Lỳ cũng đã có khoảng 200 học sinh, nếu dùng ngân sách để mua toàn bộ sách giáo khoa  phụ vụ học sinh sẽ cần một khoản chi phí rất lớn.

Giáo viên này cho rằng, cần đẩy mạnh xã hội hóa trong việc xây dựng thư viện sách giáo khoa dùng chung cho học sinh khó khăn cũng như vận động học sinh tặng sách giáo khoa cũ sau khi học cho các thư viện nhà trường. Về lâu dài, vẫn cần giải pháp kiểm soát giá với sách giáo khoa, bản thân các nhà xuất bản cũng cần tính toán để giảm bớt chi phí trong in ấn, phát hành từ đó giúp giảm giá sách giáo khoa.

Trao đổi về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), Ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội đánh giá, việc xây dựng thư viện sách giáo khoa dùng chung là chủ trương tốt, thể hiện tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp vừa qua và ý kiến nhân dân của Bộ GD-ĐT.

“Nếu triển khai được ngay, đây sẽ là động thái tích cực của Bộ GD-ĐT. Việc xây dựng thư viện sách giáo khoa dùng chung có ý nghĩa rất lớn để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh.

Khi các thư viện này được thành lập, rất dễ dàng để xã hội hóa. Cũng cần xác định rằng sách giáo khoa trong thư viện không nhất thiết phải là sách mới, để tiết kiệm kinh phí, các trường có thể vận động học sinh quyên góp sách cũ đã học vào thư viện, đây cũng là giải pháp tương đối hữu hiệu tại thời điểm hiện tại”, bà Nga cho biết.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, xây dựng thư viện sách giáo khoa dùng chung chỉ là giải pháp trước mắt, ngoài ra cần rất nhiều giải pháp khác và quan trọng nhất là có mức giá sách giáo khoa hợp lý. Bởi bất cứ học sinh nào đến trường cũng cần có sách, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, nên giá thành không thể quá cao, nhất là khi đang dần tiến tới phổ cập giáo dục phổ thông, cần tạo điều kiện tốt nhất cho người học.

“Chúng ta đừng nghĩ chỉ xây dựng thư viện sách giáo khoa cho học sinh nghèo là xong, điều quan trọng là phải có giá cả hợp lý, không được quá cao. Ngoài ra cũng cần tính đến việc tiết kiệm nguồn lực, cần những giải pháp tổng thể từ khâu in ấn, xuất bản sách”, bà Nga nói.

Từ thực tế tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến của người dân, bà Nga cho biết, có nhiều câu hỏi đặt ra rằng, phải chăng sách giáo khoa hiện nay chưa phải mặt hàng được nhà nước định giá, nên giá sách tăng mạnh trong thời gian qua?

Đồng thời, đại biểu Quốc hội cũng nhận định thực tế rằng, người dân không có điều kiện để đối chiếu, so sánh, hay đánh giá rằng một quyển hay 1 bộ sách giáo khoa mới giá thành đã hợp lý hay chưa. “Con em đến trường thì phải có sách, giá đã in sẵn trên bìa, phụ huynh không còn cách nào khác, chỉ biết rằng sách bán giá bao nhiêu thì phải mua từng ấy”.

Bởi vậy, việc đưa sách giáo khoa vào danh mục nhà nước quản lý về giá là rất đúng đắn và cần thực hiện sớm. Nếu tiếp tục “thả nổi” giá sách như hiện nay sẽ tác động rất lớn đến đời sống người dân và tạo ra sự thiếu công bằng.

Nguyễn Trang(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn