Tại hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 sáng 28/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, trước tình hình dịch COVID-19, ngành giáo dục chuyển đổi trạng thái hoạt động, thích ứng với tình hình dịch, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Ngành cũng chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại địa phương. Ngành giáo dục đề xuất Thủ tướng cho phép tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh, trước mắt là học sinh bậc trung học phổ thông.
Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề xuất Chính phủ xem xét việc xây dựng chương trình vaccine học đường để học sinh sớm được tiếp cận, đến trường an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài.
Trước đó, Sở GD&ĐT TP.HCM trình UBND thành phố xem xét, nghiên cứu và có kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho nhà giáo, nhà nghiên cứu, học sinh. Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, số học sinh bậc THCS - THPT (tương đương độ tuổi từ 11 đến 18) năm học 2021 - 2022 tại TP.HCM là khoảng 687.000 em.
Bộ GD&ĐT đề xuất 4 ý kiến với Chính phủ. Thứ nhất, xem xét, bố trí kinh phí để ngành giáo dục thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái hoạt động thích ứng với dịch COVID-19, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học. Trước mắt tập trung xây dựng hệ thống bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử, kho học liệu số dùng chung cho học sinh phổ thông cả nước.
Thứ hai, Bộ mong Chính phủ xem xét các phương án miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học 2021 - 2022.
Thứ ba, Bộ cũng đề nghị Chính phủ xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên đảm bảo các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên; không áp dụng quy định giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp, 10% chi trực tiếp từ ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho các cơ sở đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116 của Chính phủ.
Thứ tư, Bộ đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương khi phân bổ ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm theo Luật Giáo dục 2019.
Bình luận