Tết là để sum vầy, để gắn kết, để chuyện trò hỏi han...Nhưng dường như người trẻ bây giờ chẳng cần những điều đó nữa. Họ tự biến mình thành nạn nhân của Tết và luôn miệng than vãn. Thậm chí, việc hỏi han quan tâm của người thân, các ông, các bà cũng bị họ liệt vào danh sách những nỗi ám ảnh ngày Tết.
Họ ra rả nói về sự khó chịu, họ tỏ ra phẫn nộ, chỉ trích người thốt ra những câu hỏi vô thưởng vô phạt đó là kém duyên, là thiếu văn minh. Họ cho rằng sự quan tâm một cách nhiệt tình đó là sự tò mò, tọc mạch vào đời sống riêng tư của người khác, vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của người bị hỏi.
Nhiều người sẽ tỏ thái độ khó chịu ra mặt, số khác sẽ tìm cách đối đáp thẳng thẳn, còn một số lại trốn tiệt trong phòng hoặc đi vắng để tránh bị hỏi. Sao mọi người phải sợ hãi đến vậy? Tôi lại chẳng mảy may nghĩ thế bởi tôi mong lắm những câu hỏi ngày Tết.
Tôi gần 30 tuổi, chưa có người yêu, cũng chẳng có sự nghiệp vẻ vang nhưng nếu ai đó hỏi: “Bao giờ lấy chồng?”, “Đi làm lương tháng được bao nhiêu?”...tôi vẫn sẽ vui vẻ trả lời. Tôi yêu cuộc sống, yêu công việc hiện tại của mình và chẳng có lý gì phải trốn tránh. Bạn trốn tránh, bạn sợ hãi chỉ là vì bạn chẳng tự tin với cuộc sống của mình.
Tôi vẫn nhớ, hồi còn nhỏ, đầu năm đi chúc Tết, đến nhà các ông bà vẫn hay hỏi thế với các cô, dì, hay chị của tôi. Nhưng bây giờ các ông bà đã già, người thì lẫn, người thì đã mất. Các cô dì chú bác của tôi giờ cũng tiếp cận với cuộc sống thành thị, ý tứ với nhau hơn, ít người còn hỏi tôi mấy câu thân thiện đó nên tôi luôn cảm thấy mình thiếu may mắn, thiếu đi một chút sự quan tâm chân chất của những người xung quanh.
Sở dĩ tôi nói vậy là vì với tôi, những câu hỏi đó tuỳ vào nhận định và sự đón nhận của mỗi người. Xét về góc độ giao tiếp xã hội, những câu hỏi xuất phát từ giá trị truyền thống của người Việt là sự quan tâm, lo lắng và sẻ chia dành cho nhau. Quan trọng là thái độ tiếp nhận của người được hỏi có vui vẻ không hay là khiến cho người ta khó chịu, hằn học.
Khi bạn phản ứng tiêu cực, tức giận với những câu hỏi đó, chứng tỏ bạn thiếu hiểu biết về văn hoá giao tiếp của người Việt, vô cùng hẹp hòi và ích kỷ. Nếu là tôi, tôi sẽ rất vui mừng vì được ông bà, cô dì chú bác, thậm chí là hàng xóm quan tâm đến mình một cách tỉ mỉ như vậy.
Một khi bạn còn được hỏi câu: “Bao giờ lấy chồng?” hay “Đi làm lương tháng bao nhiêu?” và vô số những câu hỏi ngày Tết khác thì bạn chớ có vội cau mặt khó chịu, đánh giá người ta thấp kém hay vô duyên. Bởi lẽ theo tôi, bạn còn đang được quan tâm bởi tình cảm chân chất của những người xung quanh.
Chứng tỏ bạn còn đang rất may mắn bởi cuộc sống chất phác ấy chưa bị phong cách thành thị lẫn vào. Chứ đến khi không còn ai hỏi bạn những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống, nghĩa là khi đó những người xung quanh đã thờ ơ với bạn, sự tồn tại của bạn chẳng có ý nghĩa gì với họ cả.
Nếu bạn sống trong một môi trường, một xã hội toàn những điều cứng nhắc, con người luôn luôn tế nhị và đề phòng nhau ngay cả trong câu nói, thì theo tôi, bạn đang thiếu dần đi những tình cảm yêu thương, quan tâm chân thành của những con người giản dị, chất phác xung quanh mình.
Độc giả có đồng tình với quan điểm trên? Hãy gửi ý kiến của bạn TẠI ĐÂY.
Bình luận