Các cơ sở chế biến mực xà tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) vẫn tiếp tục một cách ngang nhiên bất chấp xử phạt, bất chấp đình chỉ. (Hình ảnh và video được ghi nhận ngày 21/8/2023)
Người dân muốn bỏ xứ vì ô nhiễm
Ngày 24/7/2023, Báo điện tử VTC News đã có bài viết “Nhiều cơ sở chế biến mực xà tại Bình Định ngang nhiên 'bức tử' môi trường” phản ánh tình trạng các cơ sở chế biến mực xà xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) bất chấp các xử phạt trước đó tiếp tục hoạt động và xả thải, gây ô nhiễm.
Ngày 21/8, PV Báo điện tử VTC News một lần nữa có mặt tại khu vực đầm Đạm Thủy khi vẫn liên tục nhận được phản ánh, kêu cứu của người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, lượng nước xả thải đen ngòm từ các cơ sở chế biến mực xà tại đầm Đạm Thủy đang xả trực tiếp ra môi trường một cách ngang nhiên.
Lượng nước thải xả ra không có đường tiêu thoát, kéo theo đó là lượng rác thải bao bì ni lông,... phủ kín bề mặt sông hồ, ngày qua ngày bốc hơi, đông đặc gây mùi hôi thối đến độ cách xa đầm vài cây số vẫn ngửi thấy..
Những người dân đầm Đạm Thuỷ hằng ngày phải đóng kín cửa hoặc di chuyển đến nơi khác vào những buổi trưa nắng vì phải sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề. Đã có những hộ gia đình vì không chịu nổi đã phải bán nhà, chuyển đi nơi khác.
Theo người dân, họ liên tục phản ánh, ý kiến chính quyền về tình trạng hôi thối do chất thải từ các cở sở chế biến mực xà nhưng mấy năm qua, chính quyền chỉ ậm ừ xử lý và rồi… đâu lại vào đây.
Anh Thái Văn Đá (33 tuổi) sống tại khu vực đầm Đạm Thủy cho biết, thời điểm gần trưa khi các cơ sở chế biến bắt đầu hoạt động, nước thải xả ra thì mùi hôi thối mới và cũ bắt đầu "sống dậy"
"Đi làm về mệt, muốn nghỉ trưa nhưng không cách nào chịu nổi mùi hôi thối bốc lên, cả gia đình phải dắt díu lên nhà người quen phía trên nghỉ nhờ. Mấy người bị bệnh viêm xoang đã khổ nay càng khổ nữa", anh Đá bức xúc.
Không riêng gì anh Đá, ông Phan Đình Sung (53 tuổi) cũng là một hộ dân sinh sống lâu đời tại đây cho biết, đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền, cán bộ huyện, xã sau đó có xuống giải quyết nhưng không triệt để.
"Trực tiếp nhất là người dân gọi cho chủ tịch xã liên tục nhưng chỉ nhận được lời hứa rồi đâu vẫn đóng đấy", ông Sung bức xúc.
Một người dân cho biết thêm, có trường hợp các hộ dân không chịu được mùi hôi thối từ “nước mực phơi nắng” nên đã vào gặp chủ các cơ sở chế biến mực xà nói chuyện. Tuy nhiên, họ đều bị đuổi ra ngoài, có người còn bị chủ các cơ sở này đánh.
Chính quyền chưa xử lý triệt để
Cuối tháng 7 vừa qua, trả lời VTC News về tình trạng ô nhiễm do các cơ sở chế biến mực xà, ông Phạm Dũng Luận - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát - cho biết, đã triển khai cho Chủ tịch UBND xã Cát Khánh kiểm tra và ngay lập tức xử lý tình trạng trên, cam kết sẽ không để xảy ra lần nữa.
"Chúng tôi đã xuống kiểm tra ngay sau bài phản ánh của VTC News nhưng không thấy cơ sở nào đang sản xuất, ngay sau đó chính quyền UBND xã Cát Khánh đã tổ chức lực lượng tịch thu hết giá phơi mực của một số cơ sở", ông Luận cam kết.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát - cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại UBND huyện đã ban hành 30 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 30 cơ sở chế biến mực xà tại xã Cát Khánh. Tổng số tiền xử phạt lên đến hơn 1,3 tỷ đồng nhưng đến nay chưa một cơ sở nào nộp phạt.
"Chúng tôi sẽ xử lý ngay", đây là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát với Báo điện tử VTC News ngày 23/7/2023.
Cách đây chưa lâu, cơ quan liên ngành huyện Phù Cát phối hợp với Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TNMT Bình Định) lấy mẫu nước thải tại các cơ sở này để kiểm tra, phân tích phát hiện 15 cơ sở chế biến mực xà đang xả nước thải, chất thải sơ chế mực xà trực tiếp ra đầm không qua hệ thống xử lý theo quy định, gây ô nhiễm nước.
Theo kết quả phân tích mẫu nước thải của 15 cơ sở này, có từ 5 - 6 chỉ tiêu trong nước thải từ hoạt động sơ chế mực xà vượt từ 3 - 10 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản.
Cùng với đó 2 - 3 năm nay, báo chí liên tục lên tiếng về tình trạng ô nhiễm này nhưng đến nay, việc "xử lý ngay" của UBND huyện Phù Cát vẫn chỉ là lời cam kết chưa thành hiện thực. Các cơ sở chế biến mực xà vẫn ngang nhiên hoạt động, vô tư xả thải. Biên bản xử phạt và lệnh đình chỉ vẫn chỉ nằm trên giấy. Người dân đầm Đạm Thủy, xã Cát Khánh vẫn ngày ngày sống chung với mùi hôi thối và dòng nước đen ngòm.
Bình luận