Chuyến khơi xa “lời” được 4 người bạn
3h một sáng cuối tháng 7, tàu cá BĐ 96935 TS cập cảng Quy Nhơn (Bình Định) mang trong mình không chỉ tôm, cá, mà còn là niềm vui của những người vừa cứu được 4 ngư dân Bình Thuận gặp nạn.
Tàu vừa cập bến, anh Lê Thanh Toàn (SN 1980, trú tại phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) với nước da rám nắng khỏe mạnh, dáng người đậm, tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền nhanh nhẹn cùng các thuyền viên trên tàu chuyển những khay nhựa đựng tôm, cá từ khoang hầm lạnh trên tàu xuống cảng để đổ cho các mối quen.
Thoăn thoắt làm việc, anh Toàn chia sẻ chuyến này khai thác được ít hơn vì vừa đưa 4 ngư dân Bình Thuận vào bờ. “Nhưng, chuyến này đi biển “lời” được 4 người bạn”, anh Toàn cười nói.
Từ lúc cứu được 4 người lên tàu, anh Toàn cùng 14 thuyền viên nhiều đêm lo lắng đến mất ăn, ngủ.
“Lúc đưa được 4 ngư dân Bình Thuận lên tàu, da anh em bong tróc, lở loét. Chúng tôi phải thay phiên nhau túc trực chăm sóc, cứ 2 giờ lại đút nước cơm cho 4 người uống chứ không cho ăn cơm hay cháo ngay vì không hồi sức được. Quần áo, chỗ ngủ nghỉ của chúng tôi cũng nhường cho anh em. Nhìn anh em mà tất cả chúng tôi không cầm được nước mắt", anh Toàn tâm sự.
Anh Toàn bảo, nhìn những người bị nạn mà anh lại thương lấy mình. Làm nghề biển, mỗi lần ra khơi, những ngư dân như anh không có mong ước nào lớn hơn là nếu gặp chuyện không may có người dang tay cứu giúp.
Và "những đứa con của biển" như anh cũng lạ lắm, gặp nhau trên biển, trợ giúp nhau lúc hoạn nạn rồi như những người thân lâu ngày chưa gặp, họ đối đãi với nhau nhưng anh em ruột thịt, thân tình và đầy gần gũi.
Bám biển để sống, ra khơi với nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng, nhưng họ sẵn sàng bỏ lại tất cả những lo lắng vật chất đó để lo cho sức khỏe của những "đồng nghiệp" xa lạ mà họ vừa cứu.
Tôi hỏi anh Toàn, chuyến đi này "lỗ" vậy rồi tiền đâu bù?. Thế nhưng, anh Toàn cười lớn bảo, chuyến này coi như chỉ đủ tiền nhiên liệu nhưng anh em thuyền viên không ai buồn, bởi với họ đi biển "lời" không chỉ tính bằng tiền mà còn tính bằng cả những mối quan hệ mới được đắp bồi...
Đi biển ngấm vào cái chân cả rồi, không đi thì không đặng
Khi những khay tôm cá cuối cùng được giao cho bạn hàng, anh Toàn ngồi nơi mạn tàu, nhìn xa xăm, kể cho chúng tôi nghe về nghiệp chài lưới của mình.
Từ xưa tới nay, anh cùng những ngư dân làng chài nhỏ đã sinh sống đã gắn liền với biển. Nhà anh Toàn từ đời ông, đời cha đều lập nghiệp nhờ biển, giờ đây thế hệ cháu con vẫn ngày ngày bám biển. Anh Toàn cùng các anh em cũng bám biển được hơn 10 năm.
Hơn 10 năm làm nghề, bao thăng trầm nguy hiểm, nhưng lần nào nhận được tín hiệu trợ giúp anh Toàn đều không nề hà nguy hiểm.
“Điều khiến tôi nhớ mãi là sự cố cuối tháng 10/2020, nhận tin tàu cá BĐ 96388TS có 12 ngư dân trong lúc chạy tránh trú bão số 9 bị phá nước chìm tàu, tôi cho tàu cá mình tiếp cận vùng xảy ra tai nạn để tìm cách ứng cứu.
Chúng tôi chạy gần một giờ thì đến vị trí tàu cá có 12 ngư dân bị chìm. Sóng to gió lớn, máy tàu bị chết nhiều lần. Tàu tôi cố gắng tìm kiếm, quần thảo trên biển khoảng 2 giờ đồng hồ nhưng không thấy ai", anh Toàn kể lại kỷ niệm không quên trong cuộc đời.
Rồi thật không may, tàu cá của anh Toàn bị hỏng máy và thả trôi tự do trong cơn cuồng phong, sóng dữ của bão số 9. Sau hơn 1 ngày đánh cược mạng sống trên biển cả, có những lúc các thuyền viên trên tàu đã nghĩ đến kịch bản xấu nhất là tàu chìm. May mắn sao, sau đó tàu Kiểm ngư đã tiếp cận được tàu cá của tanh và lai dắt vào bờ .
Nhớ lại những giờ phút đối diện lằn ranh sinh - tử, anh Toàn vẫn không khỏi ám ảnh: “Lênh đênh trên biển hơn một1 ngày, mây đen vần vũ trên đầu, biển thì gào thét dữ dội, tôi đã xác định lần này bỏ mạng nơi con sóng vậy nhưng vẫn cố gắng động viên anh em trên tàu, bởi mình là thuyền trưởng, giờ mà mình nản chí thì anh em sẽ ra sao".
Đêm đến, khi mọi người thiếp đi vì mệt mỏi cũng là lúc anh phải cắn tay mình để không bật khóc thành tiếng. Bão càng về đêm càng dữ dội, con thuyền trên bến nhìn lớn là vậy, nhưng trước cột sóng khổng lồ thì nó nhỏ bé mong manh lắm, và anh không biết con tàu của mình bị nuốt chừng lúc nào.
Nhấp ngụm nước, anh Toàn bảo, khi người ta phải đối mặt với cái chết mới biết mình ham sống đến mức nào. Khi đó, anh đã tự nói với mình, chỉ cần vượt qua khổ nạn này, sẽ không bám biển nữa, sẽ lên bờ, tiếp tục làm thuê làm mướn, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, miễn còn được sống để ở bên người thân.
Rồi anh lại nghĩ, nếu mình chết, vợ mình sẽ ra sao, 2 đứa con sẽ thế nào, phận đời côi cút rồi chúng có được ăn học tử tế hay lại bỏ ngang để tiếp tục “bán mạng” cho những chuyến ra khơi?
"Quyết tâm khi đó là vậy, nhưng đến khi lên bờ, nhìn vợ con nheo nhóc, nghĩ đến tương lai lũ trẻ, lại bất chấp hiểm nguy mà tiếp tục với nghề “cha truyền con nối”, anh Toàn cười nói.
Nhiều người bạn của anh Toàn sau những lần thoát nạn, họ bỏ nghề đi biển chuyển sang nghề khác, nhưng rồi cũng đôi ba năm lại quay về với biển.
"Đi biển ngấm vào cái chân cả rồi, không đi thì không đặng”, thuyền trưởng Toàn trầm tư hướng ánh mắt với những quầng đen dưới đôi chân mày rậm và ánh nhìn lúc nào cũng xa ngai ngái về phía biển.
Như một lẽ thường nào đó, con người đứng trước biển thường đượm buồn. Nỗi buồn dường như không có nguồn cơn, chỉ đi qua khắp miền ký ức, rơi tõm vào dòng sóng cuộn xô rồi hóa thành nước trên hốc mắt đầy những quầng thâm quầng.
Biết là nghề biển nhiều rủi ro, nhưng không đi biển thì cũng chẳng biết làm nghề gì, bởi bao đời nay ngư dân vẫn luôn gắn phận mình với sóng, với gió biển khơi.
“Chứng kiến nhiều người thân bỏ mạng nơi biển khơi, vợ tôi nhất quyết không cho chồng đi biển. Trước khi nối nghiệp cha và các anh em trong nhà, tôi cùng vợ đi làm công nhân, làm thuê làm mướn kiếm sống nhưng thu nhập đã không đủ sống lại còn bấp bênh nên cuối cùng vẫn trở về bám biển", anh Toàn tâm sự.
Nghề biển tàn nhẫn quá mà! Biển nuốt chửng không biết bao nhiêu người, không biết bao nhiêu phương tiện sinh nhai của người làng biển. Nhưng cũng có nhiều lúc biển hiền hòa, hào sảng, biển no đầy tôm cá, trù phú cho ngư dân cái lợi cá tươi, được mùa trúng giá. Người ngư dân cũng ủi an phần nào khó nhọc.
Người ta có mấy ai được chọn nghề, mà nghề thì chọn họ, rồi họ gắn bó cả đời mình, có khi lại đến đời con, đời cháu. Nghề đi biển cũng là như vậy. Và đời ngư phủ còn biết bao chuyện buồn, vui.
Ngày 10/7, tàu cá chở 15 thuyền viên người Bình Thuận do ông Bùi Văn Toàn làm thuyền trưởng, từ vùng biển Trường Sa quay về sau 20 ngày đánh bắt, thì bị sóng đánh chìm.
Theo các ngư dân được cứu, khi về cách đảo Phú Quý khoảng 155 km, tàu gặp giông gió. Sóng cao gần 4 m bổ lên tàu liên tục khiến nước tràn vào mỗi lúc một nhiều. Họ chia nhau bơm và tát nước, nhưng tàu chìm rất nhanh. Thấy không thể cứu tàu, 15 thuyền viên đưa hai thuyền thúng xuống biển, chia làm hai nhóm thoát thân.
Sau nhiều ngày chống chọi với sóng dữ, các ngư dân trên hai thuyền thúng bị lạc nhau. Đến chiều 19/7, sau 9 ngày trôi dạt, một thuyền thúng được tàu cá Bình Định phát hiện cách đảo Sinh Tồn (Trường Sa) 80 hải lý, song lúc này chỉ còn 4 thuyền viên, 3 người khác tử vong vì đói khát.
Ngày 22/7, tàu Buffalo chở hàng từ Ai Cập, đến vị trí cách Nha Trang 240 hải lý về phía đông, phát hiện và cứu 5 người trên một chiếc thuyền thúng đang trôi giữa biển. Những người được cứu cho biết, thuyền thúng trước đó có 8 thuyền viên, 3 người đã chết vì kiệt sức, phải bỏ lại trên biển.
Như vậy, sau 12 ngày tìm kiếm đã có được 9/15 thuyền viên được cứu sống, còn 6 người còn lại chưa tìm thấy thi thể.
(Còn nữa)
Mời quý độc giả đón đọc Kỳ 2: Những mảnh đời lơ lửng cột buồm…
Bình luận