Ngày 13/6, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khai mạc Hội nghị lần thứ 31. Hội nghị bàn về các nội dung quan trọng liên quan kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và bàn giải pháp 6 tháng cuối năm.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã nêu bật tầm quan trọng của các đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM; đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ...
Về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, Bí thư Thành ủy cho rằng, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị gồm 8 tuyến, với tổng chiều dài 220 km.
Đến nay, qua gần 20 năm, TP.HCM mới thực hiện được tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hơn 96%; Tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật; các tuyến khác bắt đầu công tác chuẩn bị đầu tư.
Theo Bí thư Nên, với thực trạng đó, để có thể xây dựng 200km còn lại của hệ thống đường sắt đô thị trong những năm tới là thách thức lớn, đòi hỏi phải có chính sách, cơ chế mang tính đột phá huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Vì vậy, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM đề nghị các đại biểu cần tập trung nghiên cứu cho ý kiến bổ sung hoàn thiện Đề án, nhất là các cơ chế, chính sách về quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; huy động, sử dụng nguồn lực tài chính và tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ…
Về đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ông Nên cho rằng, Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đã đặt ra vấn đề này.
Đề án đã nêu khá rõ về Cảng trung chuyển Cần Giờ với nhiều ưu thế nổi bật, nhiều nhà nghiên cứu thấy Cần Giờ có vị trí không chỉ ở quốc gia mà cả tầm quốc tế…
Bí thư Nên cho rằng, cũng có nhiều ý kiến mang tính phản biện cao mà TP.HCM phải quan tâm lắng nghe đầy đủ với trách nhiệm cao nhất. Vì vậy, ông đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu bổ sung hoàn thiện đề án trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, chỉ đạo.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, theo Bí thư Nên, tăng trưởng GRDP của TP.HCM đạt khá; các ngành sản xuất công nghiệp - dịch vụ trọng yếu tiếp tục đà phục hồi; hoạt động du lịch khởi sắc; thu ngân sách tăng khá, duy trì ổn định; nhiều công trình, dự án được khở công xây dựng và hoàn thành, nhiều vướng mắc được tháo gỡ, giải quyết....
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, có thể thấy số chủ trương, nhiệm vụ quan trọng chưa đạt yêu cầu. Trong đó, mức tăng trưởng GRDP là 6,46%, trong khi TP.HCM đề ra là 7,5-8%.
Đà tăng trưởng tín dụng thấp; khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu; một số yếu tố cạnh tranh như giá thuê đất, chi phí logistics, hạ tầng bến cảng cải thiện chậm, tác động đến nhiều mặt trong quá trình phát triển của TP.HCM...
Ngoài ra, công tác giải ngân vốn đâu tư công đạt tỉ lệ thấp. Mặc dù Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM, các địa phương liên quan đều có quyết tâm cao, đã tổ chức đánh giá, nhắc nhở, phê bình, chỉ ra những mặt hạn chế.
"Tôi đánh giá cao điều này nhưng quan trọng là làm thế nào để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt mức đề ra là trên 90%", Bí thư Nên nói.
Vì vậy, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu đánh giá bản chất của vấn đề, tìm nguyên nhân, tiếp tục phát huy những mặt làm được để; có giải pháp cụ thể cho những mặt chưa được.
Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết Thành ủy tiếp tục đẩy mạnh và triển khai đồng bộ công tác này trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn hạn chế, yếu kém nhất định, chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
"Có lúc chúng ta vừa chạy vừa xếp hàng, cho nên vận hành bộ máy còn chậm tiến độ, làm phiền lòng người dân. Có những vụ việc còn tồn đọng, xử lý không kịp thời, để người dân mất thời gian chờ đợi cũng như chưa yên tâm về kế hoạch xử lý của chúng ta. Vì vậy, đề nghị các đồng chí tập trung đánh giá đúng, tìm nguyên nhân và bản chất để đề ra các biện pháp hiệu quả", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Bình luận