Khác với mọi năm, khi thị trường ôtô năm nay gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, người tiêu dùng trong nước tỏ ra thờ ơ với việc mua sắm xe hơi. Nhưng với tâm lý “cả năm ki cóp, cuối năm sắm xe”, vẫn thôi thúc một bộ phận không nhỏ các gia đình quyết định mua xe vào dịp cuối năm.
Đây là bước gây nhiều sai lầm nhất cho khách hàng. Đa số người tiêu dùng nghĩ rằng mua xe cũ nghĩa là họ có thể chọn những mác xe yêu thích nên cố gắng đi tìm. Trên thực tế, khi đã mua xe cũ, trước tiên, bạn phải đảm bảo về tài chính. Cần cân nhắc số tiền bỏ ra là bao nhiêu và từ đó mới có thể tìm chính xác chiếc xe theo yêu cầu. Nói chung, xe đã qua sử dụng có mức giá đa dạng, tùy thuộc vào chất lượng và mức độ “cũ” của nó. Vì vậy, hãy nghĩ đến túi tiền trước khi nghĩ đến mẫu xe định mua.
Khi khoanh vùng xong các mẫu xe có giá mà bạn đáp ứng được, hãy tìm kiếm xem giá của chúng khi mới là bao nhiêu. Trên thực tế, theo thống kê của Edmunds, xe đã qua sử dụng rẻ hơn từ 20-30% so với xe mới. Như vậy, một mẫu xe mới có giá 21.800 USD thì chiếc xe cũ có giá khoảng 15.300 USD.
Nếu may mắn, bạn có thể mua được những chiếc xe rẻ hơn 15.000 USD rất nhiều nhưng đừng vội mừng. Giá xe cũ được tính trên cơ sở khấu hao nên giá trị thấp hơn xe mới 20-30% sau khoảng 5 năm, nếu nó quá rẻ nghĩa là người chủ đang muốn “bán tống bán tháo” bởi những lý do như sau tai nạn, đại tu hay tần số sử dụng lớn.
Nếu mua xe mới, bạn được nhà sản xuất bảo hành nhưng khi mua xe cũ, tất cả tùy thuộc vào sự cẩn trọng của bạn. Hãy bình tâm xem xét và yêu cầu đại lý cung cấp số VIN (Vehicle Identification Number). Số VIN là một trong những “bảo bối” để bạn nắm tiểu sử của chiếc xe.
Tại Mỹ, tất cả các xe đã qua sử dụng phải có bản ghi tiểu sử đi cùng với các thông số như chủ sở hữu, số lần tai nạn, nhãn hiệu, đời xe, đăng kiểm về khí thải, thiết bị an toàn.
Để tránh việc “cà” lại số VIN, nhà sản xuất ghi chúng ở nhiều nơi như máy, thân xe, cửa trước, cửa sau, hệ truyền động và trục bánh. Hãy kiểm tra thật kỹ hình dạng của các số VIN này.
Sau khi qua các bước trên, bạn nên yêu cầu người bán cho chạy thử. Nên nhớ tự mình làm việc đó bởi những người khác (thậm chí cả bạn thân, đồng nghiệp) đôi khi không đưa ra nhận xét chính xác về tình trạng của chiếc xe.
Ngồi vào xe, hãy xem ghế lái có đủ không gian cho bạn như đầu, chân có dễ chịu hay không. Các thiết bị điều khiển như vô-lăng, chân phanh, chân ga phải đảm bảo hoạt động tốt và dễ sử dụng. Bạn nên nhớ khởi động lúc động cơ hoàn toàn nguội. Nếu động cơ không làm việc nghĩa là nó có những hỏng hóc nặng. Hãy tắt loa để nghe tiếng động cơ một cách chính xác hơn. Khi điều khiển, bạn thoải mái tăng tốc từ 0 km/h, phanh, vào cua, đi qua chỗ xóc, tăng tốc đột ngột...
Bên cạnh đó, bạn cũng nên xem xét động cơ. Đầu tiên là kiểm tra dầu máy. Nếu dầu có nhiều cặn tức chủ nhân của nó không thường xuyên thay dầu hoặc động cơ hoạt động không tốt. Lốc máy hoạt động tốt thường có màu vàng còn nếu bị hỏng sẽ có màu đen. Bình nước đóng cặn hay chứa dầu cũng thể hiện chủ nhân của nó không bảo dưỡng một cách kỹ càng. Có khói khi động cơ hoạt động cũng là dấu hiệu không tốt bởi trong trường hợp đó, dầu đã lọt xuống buồng đốt theo xu-páp hoặc do hở piston.
Nếu coi chiếc xe sắp mua là tài sản để dành thì chuyện cân nhắc và tìm hiểu giá trị của chiếc xe tại thời điểm mua là hết sức cần thiết. Còn nếu chỉ xác định là phương tiện, thì một chiếc xe sát với nhu cầu sử dụng cũng đủ giúp bạn hài lòng. Đừng quá coi trọng sức mạnh và dung tích xi-lanh của xe vì giao thông tại Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 30% năng lực tối đa của chiếc xe.
Theo Kinh tế đô thị
Bình luận