“Lương sinh viên mới ra trường” luôn là chủ đề “nóng” trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng sinh viên ra trường nên chấp nhận mức lương thấp để học việc. Số khác phản đối quan điểm này, cho rằng sinh viên cần được trả mức lương tương xứng với kỹ năng, kinh nghiệm mà các bạn sở hữu.
Đứng dưới góc độ trường đại học, ThS Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, mức thu nhập bình quân của sinh viên khi ra trường rất đa dạng, có bạn thu nhập khởi điểm 5-6 triệu đồng/tháng, sau một năm có thể lên đến 10-15 triệu đồng/tháng (ngoài ra còn các khoản thu nhập khác).
Thực tế, mức thu nhập cao hay thấp tùy thuộc nhiều yếu tố, quan trọng nhất là năng lực. “Trong quá trình học, chúng ta vừa phải học về chuyên môn vừa phải rèn các yếu tố liên quan tới kỹ năng, thực tập thực tế nghề nghiệp cho tốt, điều này giúp cho cơ hội việc làm và thu nhập cao hơn”, ông Nam chia sẻ.
Theo ông Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, mỗi sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có lựa chọn riêng cho mình. Nhiều người chấp nhận lương thấp để hưởng một lợi ích khác (môi trường làm việc tốt, thoải mái về thời gian,...). Có người thậm chí đi làm không công một năm vì cho rằng bản thân cần tích luỹ thêm trải nghiệm, kinh nghiệm. Số khác lại tập trung đầu tư khởi nghiệp để có mức thu nhập cao cho bản thân, gia đình và bạn bè.
Hiện rất nhiều công ty sẵn sàng trả mức lương cao cho sinh viên mới ra trường. Nhiều công ty thậm chí sẵn sàng bỏ ra 2.000 - 4.000 USD (50 - 90 triệu đồng) để tuyển nhân viên nhưng lại không tìm được ứng viên ưng ý. “Nếu chúng ta muốn sở hữu mức lương cao, muốn được săn đón sau khi ra trường, thì suốt 4 năm đại học, chúng ta phải đầu tư thời gian để trau dồi kỹ năng”, ông Thắng nói.
GS Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM bày tỏ, sinh viên mới ra trường nếu làm ở công ty lớn, thậm chí là công ty nước ngoài thì mức lương chuẩn khoảng 7-10 triệu đồng. Sau giai đoạn thử việc ban đầu (từ 3-6 tháng), tuỳ năng lực và khả năng thích nghi của mỗi người mà nhận mức lương cao hơn. Sau 2-3 năm, khi kinh nghiệm nhiều hơn thì mức lương sẽ cao rõ rệt.
“Theo tôi, mức khởi điểm 7- 10 triệu đồng là bình thường. Rất ít đơn vị trả mức lương 10-20 triệu đồng cho sinh viên mới ra trường. Còn nếu muốn sở hữu mức lương cao thì ứng viên phải cho nhà tuyển dụng thấy khả năng thích nghi và những đóng góp có thể làm được cho công ty”, ông Hà nói.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Lê Song Song Ngọc - CEO Công ty CP truyền thông E-Solution Media, đồng sáng lập Cộng đồng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) - CSC - CEOs Supportive Community cho hay, muốn sở hữu mức lương cao, ứng viên cần dành thời gian nhiều hơn để đi làm, thực tập từ những năm đầu đại học. Thêm vào đó, sinh viên nên tham gia các khoá đào tạo kỹ năng mềm, bởi bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần nhân viên có thái độ tốt.
Ông Ngọc đánh giá ứng viên dựa trên 3 tiêu chí. Tiêu chí đầu tiên là Culture-Fit (Tính phù hợp về văn hoá doanh nghiệp). Đây là nội dung quan trọng nhất và bắt buộc phải có. Thứ 2 là Performance (Mức độ hiệu quả công việc từng làm). Với tiêu chí này, trong quá trình sàng lọc hồ sơ, bộ phận tuyển dụng sẽ xem xét năng lực dựa trên các công việc cụ thể ứng viên đã làm.
Cuối cùng là Commitment (Mức độ cam kết công việc). Công ty đánh giá thời gian công tác của các ứng viên khi làm việc tại các công ty cũ và những cam kết cụ thể của ứng viên được nhận vào làm việc tại công ty. Ngoài ra, công ty cũng quan tâm đến các kỹ năng mềm của ứng viên: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán,... Những ứng viên có năng lực của một công dân toàn cầu về tư duy, trình độ học vấn và khả năng tiếng Anh sẽ được đặc biệt chú trọng.
Như vậy, việc đánh giá ứng viên không hoàn toàn dựa vào bằng cấp hay thời gian tốt nghiệp mà nằm ở nền tảng năng lực và kinh nghiệm ở vị trí ứng tuyển. “Một sinh viên mới ra trường nhưng từng kinh nghiệm 3-4 năm đi làm, thực tiễn tốt, có thời gian dấn thân, đạt các tiêu chí từ nhà tuyển dụng, hoàn toàn nhận được mức đãi ngộ tốt”, ông Ngọc nói.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Thức - Phó Giám đốc Công ty Đất Việt Tour cho biết sẵn sàng trả cho sinh viên mới ra trường mức lương tương đương với những người đi làm 2,3 năm. "Thực tế, sinh viên mang bằng Giỏi đến không được chúng tôi đánh giá cao bằng sinh viên có nhiều trải nghiệm thực chiến, làm việc tại nhiều doanh nghiệp. Bằng đại học chỉ chiếm 20% trong việc đưa ra quyết định nhận hay từ chối ứng viên. Điều chúng tôi thật sự cần là thái độ và kỹ năng của những nhân viên tương lai”, ông Thức nói.
Bình luận